Nếu tồn tại "cái tôi" quá lớn sẽ dẫn tới sự hành xử ích kỷ. Vậy làm thế nào để vẫn giữ được cá tính nhưng không ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình? Chia sẻ của nhà văn Hoàng Anh Tú về nội dung này.
Một người phụ nữ nếu như mất đi "cái tôi" thì đó là một người phụ nữ khá là nhàm chán và tôi hoàn toàn ủng hộ người phụ nữ giữ được "cái tôi" của bản thân. Người ta hay nói "cái tôi" bản thân của đàn ông thì rất là cao hay đàn ông không chịu thay đổi bản thân, gia trưởng nhưng đối với tôi thì tôi lại nghĩ dù là đàn bà hay là đàn ông cũng đều có "cái tôi" của riêng mình. Nhưng khi đã sống với nhau thì phải biết dung hòa không thể mang cái suy nghĩ của riêng mình để áp đặt lên người khác được.
Có những người phụ nữ để "cái tôi" của họ cao quá có thể khiến cho cô ý trở thành người ích kỷ, cô ý trở thành người đòi hỏi, trở thành người không biết điều, nó khiến cho người sống cùng hoặc là những người đang sống xung quanh khó để có thể hòa hợp được và với những người phụ nữ mà để "cái tôi" của họ lấn át thì kể cả trong một mối quan hệ tình bạn nó cũng sẽ không ổn huống chi là một cuộc hôn nhân.
Tôi nghĩ rằng với những người phụ nữ vin vào "cái tôi" cá nhân để có thể thể hiện mình, thậm chí là muốn làm gì thì làm thì họ đang không hiểu "cái tôi" cá nhân. Họ đang thể hiện sự ích kỷ, thể hiện một cái hạn chế trong tầm nhìn.
Tôi đã từng chứng kiến những người phụ nữ như vậy, những người phụ nữ cho mình là nhất, cho mình là tất cả, họ nói mọi người phải nghe và không bao giờ muốn nghe bất kể ai nói cho dù họ vẫn đang nói rằng họ đang rất vô cùng lắng nghe nhưng mà họ nghe theo cái suy nghĩ của họ. Họ mặc định theo các cái quan niệm của họ thì rõ ràng đó là một người không biết lắng nghe và "cái tôi" dù thế nào chăng nữa thì vẫn phải bao gồm cả cái sự lắng nghe.
Khi người phụ nữ thành đạt, "cái tôi" của họ dường như lớn hơn bởi vì có nhiều người phụ nữ rất là tự tin. Nó là một điều rất tuyệt vời, gặp một người phụ nữ tự tin thì đó là sự quyến rũ, đàn ông luôn bị hấp dẫn bởi những người phụ nữ tự tin. Nhưng khi cái tự tin đó nó quá lên, nó chèn ép tất cả mọi thứ và thậm chí nó có ý định áp đặt người khác theo họ và cho rằng tất cả những gì người khác nói đều bất ổn thì tức là "cái tôi" nó lớn đến mức đè bẹp tất cả những người xung quanh và tất nhiên người đàn ông sẽ không bao giờ thích thú với một người phụ nữ như vậy.
Cũng có ý kiến cho rằng "cái tôi" người phụ nữ hiện nay đang trở nên quá lớn dù là họ không có những cái thành đạt trong cuộc sống, cũng như không phải có địa vị nhất định mà họ chỉ là một người phụ nữ bình thường. Thế nhưng chính vì "cái tôi" quá lớn này khiến cho chỉ cần ai đó làm tổn thương họ một chút họ đã tỏ thái độ và đôi khi mâu thuẫn này nó đến từ những chuyện rất nhỏ.
Chúng ta đang nhìn thấy một vấn đề trong cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ, chúng ta đang vẽ ra khá nhiều những tấm gương phụ nữ yêu bản thân và dẫn đến nhiều người phụ nữ ảo tưởng về bản thân.
Tôi rất thích một câu giới trẻ họ vẫn đang sử dụng là Không sợ những kẻ không biết mình là ai, nhưng sợ nhất những kẻ cứ nghĩ mình là ai. Quả thực, có khá nhiều người phụ nữ nghĩ rằng mình là ai bởi lúc nào họ cũng đặt "cái tôi" của họ, cái quyền lợi của họ lên trên dẫn đến chuyện là người đàn ông rất khó để đối thoại.
Không ít người phụ nữ còn cho rằng sự hy sinh của mình trong gia đình rất là lớn nên họ cho rằng mình xứng đáng được người khác chiều chuộng thậm chí là nghe theo mình.
Tôi là một người lúc nào cũng cổ xúy cho việc yêu bản thân. Tuy nhiên nếu yêu bản thân bất chấp tất cả những người khác tức là tình yêu dành cho bản thân xâm phạm đến cuộc sống chung, xâm phạm đến quyền lợi chung thì rõ ràng đó là một sự ích kỷ.Chúng ta yêu bản thân không có nghĩa là chúng ta ghét những người khác, đôi khi trong cái mối quan hệ để mà đạt sự công bằng, chúng ta yêu chúng ta bằng đúng chúng ta yêu chồng thì cuộc hôn nhân đó sẽ hạnh phúc.
Nếu như chúng ta cho rằng, tất cả những gì chúng ta làm là chúng ta hy sinh, chúng ta đang dốc lòng và chúng ta đòi một cái đáp lại thì rõ ràng là cái hy sinh đó, cái hết lòng đó đều là những cái giả tạo.
Hôn nhân là một cuộc gọt giũa, một cuộc gọt giũa vô cùng đau đớn. Trước khi chúng ta đến với nhau thì chúng ta đều là hai mảnh ghép và khi hai mảnh ghép đó muốn khít lại được vào với nhau và trở thành một mảnh ghép vừa vặn thì cả hai đều phải tự cắt gọt, thậm chí phải tự khoét cơ thể của mình để có thể phù hợp được với cái dư thừa của đối phương.
Nếu như chúng ta cứ đòi hỏi rằng là đối phương phải thay đổi để phù hợp với ta thì rõ ràng chúng ta sẽ không bao giờ có được sự hoàn hảo như thế và rất đáng tiếc khi phải nói rằng không có một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc nào nếu như cả hai không phải tự làm mình tổn thương để mà có thể vừa vặn với đối phương.
Mọi người cứ nói rằng không cần phải hy sinh, không cần phải thế này thế nọ nhưng cái duy nhất chúng ta cần phải nhớ đó là đôi khi chúng ta phải hy sinh "cái tôi" cá nhân, đôi khi phải từ bỏ cái gì đó để mà chúng ta có được một cái chung nhất.
Từ bỏ cái tôi cá nhân thì người đàn ông mới là người khó từ bỏ nhất bởi vì người đàn ông vẫn quen thói gia trưởng. Từ bé người đàn ông không được bố mẹ dạy làm chồng như nào, trong khi tất cả những người phụ nữ đều được học cách làm vợ thế nào. Tuy nhiên đứng trước một sự thay đổi, cả hai vợ chồng cùng đan bàn tay lại với nhau thì rõ ràng chúng ta có thể đi xa hơn nữa.
Có không ít những người chồng khi người vợ đã cố gắng hạ "cái tôi" cá nhân của mình xuống thì đồng nghĩa với việc người chồng đã đẩy cái tôi của họ lên thì tôi cho rằng đó là một bi kịch. Cái bi kịch đó sẽ xảy ra cho dù người phụ nữ đó có đẩy cái tôi của họ lên đi chăng nữa thì nó cũng không giải quyết được vấn đề bởi vì bản chất vấn đề là anh chàng kia không có nhu cầu cùng nhau với người phụ nữ đó mà rất nhiều người phụ nữ đã phải lấy những người chồng như thế.Đương nhiên, rất khó có thể nói ly dị hay chia tay, nhưng rõ ràng đấy là một sự thất bại trong hôn nhân, người vợ có làm thế nào đi chăng nữa cũng không giải quyết được vấn đề ở trong câu chuyện đó nên tôi vẫn nói đó là những người chồng hỏng hóc, những người chồng không thể sửa chữa được nữa.
Còn làm thế nào để cả hai vợ chồng có thể điều hòa được "cái tôi", cả hai vợ chồng có thể gọt giũa mình để giữ lại "cái tôi" tích cực và gạt đi những "cái tôi" tiêu cực thì tôi nghĩ rằng chúng ta cần đến một thứ khác đó là cái chung. Lúc đó, chúng ta sẽ cùng với nhau nhìn về 1 cái chung, chúng ta cùng xây dựng một cái chung như thế, làm thế nào để "cái tôi" chung đó, cái thứ mà cả vợ cả chồng đang đóng góp vào đó ngày càng lớn, nó càng lớn bao nhiêu thì cuộc hôn nhân đó sẽ càng bền vững bấy nhiêu. Cuối cùng vẫn là cái chung, làm thế nào để chúng ta có thể nói được từ là chúng tôi chứ không phải là tôi hay là anh/em.
Theo Thu Hằng
VOV2