Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững
Từ cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra đầu tiên ở nước Anh đến nay, con người đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trên nhiều phương diện. Họ đã biến trái đất vốn hoang vu thành những cánh đồng phì nhiêu tươi tốt thành những thành phố phồn vinh tráng lệ, những mạng lưới giao thông thuỷ, bộ, hàng không ngày càng hiện đại. Con người không chỉ khai thác, cải tạo trái đất mà họ đã và đang khám phá, chinh phục vũ trụ. Quá trình công nghiệp hóa và cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đã đưa loài người tiến lên những nấc thang phát triển mới: từ những xã hội nông nghiệp cổ truyền, sang xã hội công nghiệp, hiện nay đang trong tiến trình chuyển sang xã hội văn minh với nền kinh tế tri thức ngày càng trở thành nền tảng và động lực chủ yếu của phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, mức sống của một nửa nhân loại đã được nâng cao đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người thực tế (giá 1995) tính chung cho toàn thế giới tăng từ 989 USD năm 1980 lên 1.354 USD năm 2000 và hiện nay khoảng 1.500USD.
Tuy vậy, những sự phát triển đạt được chưa bền vững, loài người đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất nghiêm trọng:
- Dân số tăng nhanh, trong 100 năm gần đây cứ 40 năm dân số thế giới lại tăng gấp đôi. Hiện nay, trên trái đất đã có hơn 6,5 tỷ người đang sinh sống. Tình trạng đói nghèo, bệnh tật và thất học còn phổ biến:
Toàn thế giới vẫn còn 2,8 tỉ người (43%) là người nghèo và 1,2 tỉ người (18%) rất nghèo. Hiện đang có hơn 1 tỉ người không có nước sạch để dùng hàng ngày. Dự báo trong 25 năm tới, 2/3 nhân loại sẽ thiếu nước sinh hoạt.
Hiện còn 1/4 nam giới, 1/3 phụ nữ trên thế giới không biết chữ và trên 100 triệu trẻ em không được đến trường.
Trên toàn thế giới, mấy thập niên qua đã có 65 triệu người mắc bệnh AIDS, đã có 30 triệu người chết vì căn bệnh này và hiện đang có hơn 57 triệu người bị phơi nhiễm HIV/AIDS.
Môi trường bị suy thoái nghiêm trọng, nhất là môi trường sinh thái: Toàn thế giới có 1,9 tỉ hecta (30% tổng diện tích đất trồng trọt trên trái đất) bị suy giảm chất lượng trong vòng 50 năm gần đây,..
Mỗi năm trái đất mất đi 5% diện tích rừng nguyên sinh và rừng nhiệt đới. Do đó, làm cho 1/3 số loài động vật bị dồn đuổi, co cụm lại trong các vùng mà diện tích chỉ bằng 1,4% diện tích lục địa, nên chúng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hai phần ba số bãi cá và bãi san hô trên biển đang bị khai thác vượt quá giới hạn tái sinh, làm cho nguồn tài nguyên hải sản và cân bằng sinh thái biển đang bị suy giảm nghiêm trọng.
- Tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhất là nhiên liệu hóa thạch thiếu sự kiểm soát hữu hiệu, thải khí độc vào không trung quá mức chịu đựng, gây thủng tầng ôzôn làm biến đổi khí hậu. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay thì đến năm 2100 nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm từ 3-7oc làm cho các núi băng tan, nước biển dâng cao thêm 1,5m, khiến nhiều vùng, miền bị nhấn chìm, góp phần làm gia tăng thiên tai và mức độ nghiêm trọng của những thảm họa, gây nên sự tàn phá kinh hoàng những thành quả của sự phát triển. Đối mặt với những thách thức đó, phát triển bền vững (PTBV) trở thành nhu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách của toàn nhân loại.
Để đảm bảo một tương lai an toàn hơn, phồn vinh hơn, nhân loại chỉ có một con đường là giải quýêt một cách cân đối các vấn đề về môi trường và phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, bàn thảo qua nhiều diễn đàn, nhiều hội nghị với nhiều chương trình rộng hẹp khác nhau. Đến tháng 6/1992, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển họp tại Rio dễ Janero (Braxin), có 179 nước tham dự trong đó có Việt Nam, đã thông qua Chương trình Nghị sự 21 về PTBV, với quan niệm "PTBV Là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người, những không gây tổn hại tới sự thỏa mãn nhu cầu của thế hệ tương lai". Sau Hội nghị Rio năm 1992, Chương trình Nghị sự 21 được triển khai thực hiện với những mức độ khác nhau ở các nước, trong đó có Việt Nam và tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện thông qua một số hội nghị cấp cao diễn ra trong 10 năm sau đó. Tháng 9/2002, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về PTBV họp ở Johannesburg (Nam Phi) có 196 nước và tổ chức quốc tế tham dự, trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá lại 10 năm thực hiện Chương trình Nghị sự 21 về PTBV toàn cầu, Hội nghị đã bàn thảo, bổ sung, hoàn thiện Chương trình Nghị sự 21 và đưa ra khái niệm đầy đủ, toàn diện: "PTBV là quá trình phát triển có sư kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống con người trong hiện tại, nhưng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Từ khái niệm đó cho thấy: PTBV giống như xây dựng một tòa nhà kinh tế - xã hội trên nền móng hệ môi trường sinh thái. Tòa nhà chỉ bền vững khi cả khung nhà, mái nhà và nền móng đều vững chắc, gắn kết chặt chẽ và hài hòa với nhau.
Chương trình Nghị sự 21 về PTBV toàn cầu được 179 nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển năm 1992 thông qua, cam kết thực hiện và Hội nghị Thượng đỉnh về PTBV toàn cầu năm 2002 có 196 nước và tổ chức quốc tế tham gia bàn thảo, bổ sung, hoàn thiện.
Chương trình Nghị sự 21 về PTBV toàn cầu nêu lên những thách thức loài người đang phải đối mặt và khẳng định nguyện vọng của toàn nhân loại mong muốn phát triển theo cách thức đảm bảo kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, xóa gói, giảm nghèo, công bằng xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Chương trình Nghị sự 21 về PTBV toàn cầu tạo cơ sở nền tảng và đòi hỏi các nước trên thế giới cũng như Việt Nam phải xây dựng chiến lược, kế hoạch quốc gia, những chính sách và giải pháp phát triển đất nước hướng tới PTBV toàn cầu. Mục tiêu tổng quát của Chương trình Nghị sự 21 về PTBV toàn cầu mà nhân loại và Việt Nam hướng tới là "Đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên; phát triển phải biết kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa được ba mặt là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.