Máy đo tim thai và cơn co tử cung

Máy đo tim thai và cơn co tử cung

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Bùi Thị Thu - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Để đánh giá sự phát triển của bé trong bụng mẹ, ngoài những chỉ số đo đạc qua siêu âm, các bác sĩ sản khoa còn dựa vào monitor theo dõi nhịp tim thai. Đây là một công cụ đơn giản nhưng lại vô cùng hữu ích, giúp bác sĩ mau chóng đưa ra xử trí phù hợp. Vậy monitor theo dõi tim thai là gì, thực hiện lúc nào và bằng cách nào, ý nghĩa của nó ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Monitor theo dõi tim thai là gì?

Sự điều hòa của nhịp tim thai là kết quả của nhiều yếu tố tương tác với nhau, bao gồm các yếu tố từ mẹ (như cơn gò tử cung khi chuyển dạ) và các yếu tố từ bản thân thai nhi (như tuổi thai, tư thế, cử động của bé trong buồng tử cung).

Bằng cách sử dụng một đầu dò đặt trên thành bụng mẹ, điện cực sẽ ghi nhận tần số và biên độ của tim thai. Kết quả được ghi nhận liên tục, vẽ trên giấy một đường biểu diễn kéo dài trong suốt quá trình đặt máy. Đây được gọi là monitor theo dõi nhịp tim thai.

Ngoài ra, theo dõi tim thai bằng monitor không chỉ thu thập thông tin tim thai mà còn ghi nhận cơn gò của tử cung và các cử động của thai (thai máy) xảy ra trong lúc gắn máy. Về mặt nguyên tắc, bất cứ lúc nào ghi nhận được tim thai đều có thể theo dõi monitor. Tuy nhiên, trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba (ba tháng cuối thai kì), nhất là những ngày cận kề ngày dự sinh hoặc theo dõi tim thay ngay trong quá trình chuyển dạ, vai trò của monitor có ý nghĩa hơn cả.

2. Monitor theo dõi tim thai được thực hiện bằng cách nào?

Sau khi được giải thích rõ ràng cách thức và ý nghĩa của việc theo dõi tim thai bằng monitor, sản phụ sẽ được đưa vào phòng yên tĩnh, kín đáo và được chuẩn bị trang phục phù hợp.

Các mẹ bầu được yêu cầu nằm nghỉ với tư thế nửa nằm nửa ngồi, có thể hơi nghiêng trái. Nữ hộ sinh sẽ đo huyết áp cho bạn và bắt đầu gắn máy. Đầu dò của monitor được đặt ở vị trí cảm nhận nhịp tim của thai nhi rõ nhất trên thành bụng, giữ cố định bằng các sợi dây thun nịt đàn hồi quanh bụng. Đồng thời, bạn cũng sẽ được hướng dẫn sử dụng một thiết bị theo dõi thai máy bằng cách bấm nút khi cảm giác thấy bé có cử động. Tín hiệu này sẽ được ghi nhận trên giấy cùng lúc với biểu đồ tim thai.

Tại sao cần phải theo dõi tim thai trong quá trình chuyển dạ bằng monitor
Tín hiệu nhịp tim thai sẽ được ghi nhận trên giấy cùng lúc với biểu đồ tim thai.

Như vậy, trong thời gian này, bạn sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn từng nhịp tim của bé yêu được khuếch đại âm thanh qua đầu dò monitor. Quá trình này thông thường diễn ra trong 20 phút, có thể kéo dài hơn nếu bác sĩ nghi ngờ bất thường, cần theo dõi thêm.

3. Các kết quả của monitor theo dõi tim thai

Monitor ghi nhận sự biến thiên của các giá trị như sau:

3.1. Nhịp tim thai cơ bản

Nhịp tim thai cơ bản là số lần trung bình tim của bé đập trong một phút khi không có cơn gò tử cung hoặc cử động thai.

Nhịp tim thai bình thường là từ 120 đến 160 lần trong một phút. Nếu trên 160 lần sẽ gọi là nhịp nhanh và dưới 120 lần sẽ gọi là nhịp chậm. Nhịp nhanh trầm trọng hoặc nhịp chậm trầm trọng là khi nhịp tim thai trên 180 lần hoặc dưới 100 lần trong một phút.

3.2. Những dao động nội tại

Khi có sự tác động từ bên ngoài (như cơn gò, cử động của thai), trung tâm điều khiển nhịp tim sẽ kích thích tăng tần số, nhằm cung cấp lượng máu nhiều hơn cũng như để chịu đựng tình trạng thiếu oxy tương đối, nhất là trong quá trình chuyển dạ. Sự biến đổi nhịp tim thai quanh nhịp tim cơ bản gọi là những dao động nội tại.

Dao động nội tại được xem là bình thường nếu như tim thai của bé tăng được hơn 10 nhịp trong một phút so với nhịp tim thai cơ bản.

3.3. Cử động thai

Các cử động thai được ghi nhận bằng cảm nhận của mẹ. Trong thời gian theo dõi là 20 phút, bé yêu của bạn được đánh giá là bình thường nếu có từ trên 2 lần cử động.

Trong trường hợp 10 phút đầu chưa thấy thai máy, các mẹ bầu được khuyên cần đánh thức bé dậy bằng cách vỗ nhẹ, rung lắc bụng hoặc nói chuyện với bé, cho bé nghe nhạc... Bởi vì chỉ khi có cử động thai, các bác sĩ mới đánh giá được những dao động nội tại có bình thường hay không.

4. Tại sao cần phải theo dõi tim thai trong quá trình chuyển dạ bằng monitor?

Nếu các thông số trên nằm trong giới hạn bình thường, các bác sĩ sản khoa sẽ kết luận sức khỏe của bé vẫn tốt trong vòng một tuần lễ. Chính vì thế, vào tháng cuối, các mẹ bầu nên đi khám mỗi tuần để đánh giá tình trạng bé yêu.

Tại sao cần phải theo dõi tim thai trong quá trình chuyển dạ bằng monitor
Vào tháng cuối, các mẹ bầu nên đi khám mỗi tuần để đánh giá tình trạng bé yêu.

Nếu kết quả không đáp ứng tốt, đây là một dấu hiệu báo động thai có thể bị suy. Phương pháp này góp phần giúp bác sĩ nhận định tiếp tục thai kì hay nên chấm dứt thai kì là có lợi hơn.

Việc đánh giá sức khỏe của thai nhi bằng monitor cho kết quả khá tin cậy, đặc biệt là khi theo dõi trong giai đoạn cuối hay những thai kì nguy cơ cao. Chính vì thế, các mẹ bầu sẽ hoàn toàn yên tâm khi theo dõi tìm tim thai bằng monitor cho bé, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Theo dõi tim thai bằng máy Monitor được thực hiện đầy đủ khi mẹ tham gia các gói Thai sản trọn gói tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Với mong muốn giúp sản phụ có sự chuẩn bị tốt nhất trong suốt quá trình mang thai cho đến khi mẹ tròn con vuông, giải phóng những lúng túng với những mốc khám thai cũng như các xét nghiệm cần thiết trong quá trình mang bầu, Vinmec triển khai chương trình chăm sóc Thai sản trọn gói với các gói dịch vụ sau:

  • Chương trình chăm sóc Thai sản 2019 12 tuần
  • Chương trình chăm sóc Thai sản 2019 27 tuần
  • Chương trình chăm sóc Thai sản 2019 36 tuần
  • Chương trình chăm sóc Thai Sản 2019 Chuyển Dạ

Khi sinh đẻ tại Vinmec, mẹ và bé sẽ được chăm sóc tận tình bởi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giàu kinh nghiệm chuyên môn và y đức, giúp quá trình mang thai và vượt cạn trở nên nhẹ nhàng, ý nghĩa.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Video liên quan

Related posts:

Post a Comment

Previous Post Next Post

Discuss

×Close