Nhạc hàn lâm là gì

Nhạc hàn lâm là gì


Không ít niềm vui

Cuối tháng 6 vừa qua, một niềm vui đến với nền âm nhạc Việt Nam khi tài năng violon của Việt Nam là Trần Lê Quang Tiến đã đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky. Được biết, cuộc thi Tchaikovsky dành cho tài năng trẻ (Young Tchaikovsky Competition) lần thứ 10 năm nay được tổ chức ở Thủ đô Astana, Kazakhstan từ 15 đến 25 - 6 với quy mô lớn, đánh dấu kỷ niệm 25 năm ra đời của cuộc thi.

Nghệ sĩ Bùi Công Duy của Việt Nam cũng đã được mời ngồi ghế ban giám khảo cùng với các giáo sư, nghệ sĩ tên tuổi, uy tín kinh nghiệm hàng đầu trên thế giới ở lĩnh vực này như Viktor Tretiakov, Eduard Grach, Liana, Kim Nam - yun....

Tại cuộc thi năm nay, Tiến đã biểu diễn tác phẩm "Bài ca chim ưng" của cố nhạc sĩ Đàm Linh. Cậu học trò của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã vượt qua 300 thí sinh đến từ 20 quốc gia có nền âm nhạc phát triển như Nga, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... để đứng ở vị trí thứ 8 trong số các thí sinh xuất sắc nhất. Ngoài ra, Trần Lê Quang Tiến đã đoạt giải Diploma Special Prize - Giải đặc biệt dành cho người biểu diễn tác phẩm hiện đại tốt nhất.

Ở Việt Nam, dòng nhạc hàn lâm vẫn kén khán giả.

Như vậy là sau 20 năm, kể từ khi Bùi Công Duy đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ tại S. Peterbourg năm 1997, thì Trần Lê Quang Tiến chính là người tiếp nối người thầy của mình giành giải cao ở một cuộc thi danh giá. Được ví như ''thần đồng violin Việt Nam", trước khi nhận giải thưởng danh giá này, Trần Lê Quang Tiến từng giành giải Nhất cuộc thi violon quốc tế Thái Lan năm 2014, giải nhất cuộc thi violon quốc tế Kazakhsatn năm 2016...

Thành tích đạt được ở một cuộc thi danh giá và tầm cỡ như Tchaikovsky một lần nữa khẳng định tài năng thiên bẩm và sự dày công khổ luyện của thầy trò Bùi Công Duy - Trần Lê Quang Tiến. Đây là thành tích đáng tự hào của ngành đào tạo âm nhạc hàn lâm Việt Nam nói chung và ngành đào tạo violon nói riêng trong rất nhiều năm trở lại đây. Nó mở ra hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ có thêm nhiều tài năng kế bước và tiếp tục phát huy được những nghệ sĩ đi trước, làm rạng danh cho nền âm nhạc nước ta.

Trước đó, vào cuối năm 2016, tài năng piano của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh là Bùi Vũ Nguyệt Minh đã giành giải Ba (bảng dành cho các thí sinh dưới 16 tuổi) tại cuộc thi Piano quốc tế lần thứ 8 được tổ chức tại Serbia. Đây là Kỳ thi quốc tế về âm nhạc, được coi là "Giải thưởng lớn về trình độ kỹ thuật".

Cuộc thi kết hợp với Đại học âm nhạc nghệ thuật Mozarteum tại Áo nhằm khuyến khích các nghệ sĩ trẻ theo đuổi đam mê âm nhạc của mình. Cuộc thi giúp các thí sinh hoàn thiện bản thân và tự tin hiện thực hóa giấc mơ âm nhạc. Đồng thời, còn góp phần phát hiện những nghệ sĩ có tài năng nổi bật để đưa họ lên tới những dấu mốc cao hơn nữa trong sự nghiệp.

Để giành được giải thưởng trên, cô gái Việt Nam 16 tuổi đã phải vượt qua vòng loại với hàng chục thí sinh đến từ các nước Châu Âu và Châu Á. Cuối cùng, chỉ có 12 thí sinh được chọn vào vòng chung kết. Với thể hiện các tác phẩm gồm các bản Impromptu và Sonate của F.Schubert, Minh Nguyệt là thí sinh Việt Nam đầu tiên tham dự vòng chung kết và đã giành được giải thưởng.

Nếu như Quang Tiến, Minh Nguyệt làm rạng danh đất nước ở lĩnh vực biểu diễn nhạc cụ thì Ninh Đức Hoàng Long lại khiến chúng ta tự hào ở thành tích hát opera. Năm 2016, Hoàng Long đã vượt qua 150 thí sinh đến từ nhiều nước trên thế giới để giành giải Nhất cuộc thi opera quốc tế lần thứ 9 diễn ra tại Hungary. Đây là một trong những cuộc thi opera danh giá nhất thế giới với tần suất tổ chức ba năm một lần.

Với giải thưởng này, Ninh Đức Hoàng Long còn được biểu diễn tại Nhà hát lớn ở Hungary và được mời một vai trong một vở opera năm 2017. Đây là niềm vinh dự chưa từng có với các nghệ sĩ opera Việt Nam. Với những thành tích đáng tự hào ấy, Hoàng Long đã được mệnh danh là "hiện tượng opera" và trở thành thí sinh nước ngoài duy nhất đỗ vào khoa Opera của Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc của Hungary và nhận học bổng toàn phần của nhà nước và chính phủ Hungary chuyên ngành biểu diễn opera cổ điển.

Có thể nói rằng, ở lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, ngày càng có nhiều những tài năng trẻ làm rạng danh cho nền âm nhạc nước nhà. Ngoài những tên tuổi kể trên thì trước đó, tài năng guitar Trần Tuấn An đạt giải Nhất cuộc thi guitar quốc tế Hamilton International Guitar Compertition, nhận được học bổng tiến sĩ âm nhạc 4 năm tại Đại học Northwestern (Mỹ) trị giá 5,5 tỷ đồng cũng đã là một niềm tự hào của Việt Nam. Không chỉ học tập có được thành tích tốt, Tuấn An từng thuyết phục 2 giáo sư dạy mình ở Mỹ tới Việt Nam để truyền thụ kiến thức, tìm kiếm tài năng và cấp học bổng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.

Hay, trước đó, anh em Lưu Hồng Quang, Lưu Đức Anh cũng đã mang lại niềm tự hào cho đất nước. Trong đó, Lưu Hồng Quang đạt giải thưởng cao nhất tại cuộc thi âm nhạc Recital Award piano tại Australia, Lưu Đức Anh đạt giải Nhất tại cuộc thi Classical Sonata. Cả hai cuộc thi đều được tổ chức uy tín, có bề dày gần 80 năm hoạt động. Riêng Lưu Hồng Quang đã có một thành tích đáng nể tại các cuộc thi quốc tế với 6 lần dự thi quốc tế đều đạt giải...

Trần Lê Quang Tiến (trái) cùng chia sẻ niềm vui với người thầy của mình, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy.

Và những băn khoăn...

Trong khi thị trường âm nhạc Việt Nam nhiều năm qua vẫn nghiêng về nhạc trẻ, với cơ man những cuộc thi hát trên truyền hình thì vẫn có một dòng chảy thầm lặng của dòng nhạc hàn lâm nhưng không kém phần tự hào. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã từng phát biểu: "Nhiều năm nay, khi nhắc tới âm nhạc là người ta nhắc tới nhạc trẻ mà quên mất cốt lõi của nền âm nhạc là khí nhạc".

Và đang có một thực tế không kém phần chua xót là với những cuộc thi hát, chỉ qua một đêm, một giọng ca nào đó có thể trở thành ngôi sao với mức thu nhập nhanh chóng tăng cao. Nhưng, ở dòng nhạc hàn lâm, để có được một thành tích ở đấu trường quốc tế là sự khổ luyện trong một thời gian dài. Ngay cả khi được vinh danh ở những giải thưởng lớn trên thế giới thì những nghệ sĩ ấy lại ngay lập tức trở lại với công việc, học tập, rèn luyện của mình.

Và chắc chắn, thu nhập thì vẫn thua xa những ca sĩ thị trường kia. Nếu không muốn nói, những nghệ sĩ hàn lâm đa phần đều rơi vào tình trạng sống chật vật để yêu nghề. Chính vì thế, đa số nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc hàn lâm phải làm thêm việc khác để "lấy ngắn nuôi dài". Phải loay hoay kiếm tìm công chúng, lại quá ít chương trình biểu diễn nên đã có tình trạng nhiều nghệ sĩ tài năng của âm nhạc hàn lâm chọn sinh sống và làm việc chủ yếu ở nước ngoài, thỉnh thoảng về nước biểu diễn báo cáo.

Nhiều chuyên gia trong ngành âm nhạc đều đồng tình cho rằng, muốn phát triển âm nhạc hàn lâm phải dựa vào 3 yếu tố: Người sáng tác, người biểu diễn và công chúng. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì việc đào tạo người nghe vẫn chưa được coi trọng. Để có được một buổi hòa nhạc, các nghệ sĩ phải đầu tư kỹ lưỡng, công phu cả về chuyên môn và kinh phí. Tuy nhiên, một thực tế là những đêm nhạc giao hưởng thính phòng ấy chưa thu hút được nhiều khán giả.

Công chúng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng mua vé xem những liveshow ca nhạc thị trường nhưng ngần ngại trước những đêm nhạc giao hưởng thính phòng. Cũng không thể trách khán giả khi họ khó có thể yêu dòng nhạc nào đó khi mà chưa hiểu. Với đa số khán giả Việt hiện nay, âm nhạc cổ điển và giao hưởng không dễ cảm thụ. Để có thể yêu thích loại hình này, đòi hỏi sự am hiểu nhất định về âm nhạc, có trình độ âm nhạc nhất định. Điều này lại liên quan tới việc giáo dục, học tập âm nhạc trong nhà trường và mỗi gia đình.

Chính vì không có đất trình diễn nên không ít tác phẩm giao hưởng của các nhạc sĩ Việt Nam vẫn còn ở trong ngăn kéo, không có cơ hội đến với công chúng. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - người vừa được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nhạc sĩ hàng đầu về viết khí nhạc hiện nay là một trong những mình chứng tiêu biểu cho thấy, nghệ sĩ của dòng nhạc hàn lâm đã phải rất vất vả để giữ đam mê với nghề... Mà một trong những công việc dễ thấy nhất để các nhạc sĩ đảm bảo cuộc sống là viết ca khúc, dàn dựng chương trình...

Hầu hết những nghệ sĩ của dòng nhạc hàn lâm đều chấp nhận những hy sinh và kiên định với những giá trị lâu dài mới có thể giúp họ giữ lửa mới nghề. Rõ ràng, ngày càng có nhiều tài năng ở lĩnh vực âm nhạc hàn lâm mang lại niềm tự hào cho đất nước nhưng để tạo được môi trường hoạt động âm nhạc lý tưởng cho những tài năng này vẫn là một câu chuyện dài.

Video liên quan

Related posts:

Post a Comment

Previous Post Next Post

Discuss

×Close