Phê bình là gì

Phê bình là gì

Lý luận (LL) và Phê bình (PB) nghệ thuật ở Việt Nam mới manh nha từ những năm 1930- trong văn học (ảnh hưởng từ lối PB cổ điển Pháp). Đến nay, mới có 3 lĩnh vực LL/PB được đào tạo chuyên ngành (PB văn học, LL-PB sân khấu, LL nghệ thuật). LL và PB kiến trúc khởi sắc từ những năm 1990, song vẫn là những hiện tượng riêng lẻ, chưa trở thành hoạt động chuyên nghiệp có hệ thống, có tổ chức. Bài viết này không nhằm tổng kết, đánh giá hay định hướng chỉ chia sẻ một cách hiểu để cùng xem xét.

Lý luận và Phê bình là

Từ điển tiếng Việt (1997) giải nghĩa: Phê bình (phê là bày tỏ ý kiến; bình là phân định đúng sai):

  • Xem xét, phân tích, đánh giá ưu và khuyết điểm;
  • Nêu khuyết điểm để góp ý kiến, chỉ trích;
  • Nhận xét, đánh giá tác phẩm văn học.
    Lý luận là:
  • Hệ thống những tư tưởng được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn, có tác dụng chỉ đạo thực tiễn;
  • Những kiến thức được khái quát và hệ thống hoá trong một lĩnh vực nhất định.

Phê bình trong các ngôn ngữ châu Âu (tiếng Anh: Criticism, Latinh: Criticus,..) đều có gốc Hy Lạp Kritikos là nghệ thuật phân định / phán xét. Tức là PB ở phương Tây đã có truyền thống từ thời Cổ Hy Lạp, được nhận thức và thực hành nhất quán trong >2000 năm như một lĩnh vực độc lập và đặc thù, trở thành một loại hình chủ đạo trong hoạt động nghệ thuật (đặc biệt là văn học). Nghệ thuật là một hình thái ý thức đặc biệt phản ánh nhận thức về thế giới bằng ngôn ngữ của cái đẹp, và PB nghệ thuật giúp nâng tầm nhận thức thẩm mỹ trên cơ sở thấu hiểu lý tính. Thường dùng Critical (VD: Critical History, Critical Regionalism, Critical Hermeneutics) để chỉ một vấn đề đã được xem xét lại/ nghiên cứu thêm/ bổ sung/ đổi mới thông qua phản biện (chứ không áp đặt bằng tư biện).

Với Lý luận thì phức tạp hơn. LL kiến trúc đã có từ thời Cổ La Mã, nhưng đến thế kỷ 20 mới phát triển mạnh mẽ từ các trường phái / chủ nghĩa lớn đến các lĩnh vực liên ngành và các khía cạnh đặc thù. Trong LL thì Lý là những gì thuộc bản chất chung có thể nhận thức được, và Luận là vận dụng cụ thể cái Lý trong thực tiễn đa dạng. Tuỳ ngữ cảnh mà tiếng Anh dùng Theories / Philosophy / Reason / Discuss / Commentary / Argument,.. Hiểu LL như lý thuyết (theo từ điển) thì bị phiến diện (thiếu Luận) và tách biệt với PB. Ghép LL và PB/ LL-PB cho gọn thì chưa chính xác, nhưng đã thành quen.
Trong kiến trúc, LL là lập luận/ tranh luận để nhận thức các vấn đề kiến trúc; luận giải lý thuyết thành quan điểm chỉ đạo nghiên cứu và thiết kế. Mục đích cơ bản là hệ thống hóa các lý thuyết và luận điểm kiến trúc thành Triết lý thiết kế và Phương pháp luận sáng tác. Nhiều KTS bậc thầy đồng thời cũng là những nhà lý luận đã làm thay đổi nhận thức và cách tiếp cận của nhiều thế hệ.

PB trong kiến trúc là phân tích các khiếm khuyết và giá trị để điều chỉnh nhận thức. Người PB không phải là tác giả thì sẽ khách quan, nhưng dễ nhìn nhận một chiều, cảm nhận chủ quan, hoặc ngả theo số đông. Thế nên PB phải bằng LL, có cơ sở xác đáng, với tinh thần nhân văn (vì con người và sự tiến bộ XH).

Với các nghệ thuật thuần túy (văn thơ, nhạc, họa,.. mà tác phẩm không bị ràng buộc bởi thực tại) thì PB thường vượt khỏi LL. Nhưng kiến trúc là nghệ thuật tổ chức (có tính tổng hợp, tạo dựng hiện thực đáp ứng nhu cầu của XH) thì PB phải gắn liền với LL, là một nội dung của LL.

Xem LL và PB kiến trúc là 2 công việc khác nhau thì sự liên tác giữa chúng bị suy giảm. LL và PB mà không mạnh thì không còn vai trò định hướng, nên kiến trúc phát triển lệch lạc. Hiểu đúng thì hoạt động LL kiến trúc gồm 3 phương diện: LL Nhận thức, LL Phê bình và LL Sáng tác, kết nối thông qua chủ thể sáng tạo. Nhận thức luôn đi trước, nhưng tự thân đã có tính phê bình (lựa chọn/ đánh giá) và sáng tạo (định hướng hành động).

LL nhận thức là hệ thống kiến thức lý thuyết về những vấn đề bản chất của kiến trúc làm nền tảng cho hoạt động chuyên môn. Được đúc kết từ thực tiễn, được mở rộng sang các lĩnh vực liên ngành, bổ sung các cơ sở nhân văn (bên cạnh các yếu tố kinh điển về kỹ thuật, công nghệ, thẩm mỹ), là nội dung không thể thiếu trong đào tạo KTS.

LL sáng tác là hệ thống quan điểm phục vụ sáng tác kiến trúc

từ xây dựng ý tưởng đến tác phẩm. Kết nối liền mạch với LL nhận thức để hình thành Triết lý thiết kế (Lý thuyết -> Học thuyết -> Triết thuyết -> Tư tưởng) và Phương pháp luận kiến trúc (tư duy sáng tạo, cách tiếp cận, phương pháp, công cụ,..).

LL phê bình là hệ thống luận điểm để nhận định/ phản biện các hoạt động và tác phẩm kiến trúc một cách khách quan, chính xác và khoa học; làm rõ cái tích cực (để phát huy) và cái khiếm khuyết (để khắc phục). Tác động điều chỉnh nhận thức chuyên môn, nâng cao vị thế và vai trò của KTS trong xã hội.

LL-PB kiến trúc đầu thế kỷ 21

LL-PB kiến trúc không nằm ngoài cục diện phát triển của LL và PB nghệ thuật nói chung, với các xu hướng:

LL-PB học thuật: Tập trung diễn giải logic các khía cạnh giá trị, các quy luật và cơ chế của hoạt động sáng tạo để nâng tầm nhận thức, nâng cao hiệu quả biểu đạt và cảm thụ nghệ thuật. Có LL-PB nội tại (nhằm vào các giá trị tự thân trong cấu trúc và hình thức nghệ thuật) và LL-PB ngoại quan (hướng tới các vấn đề XH và các nội dung khác được phản ánh thông qua tác phẩm). LL-PB học thuật phát triển theo hướng nhân văn hóa (đề cao vai trò của con người, của cách hiểu/ của người xem), ứng dụng các khoa học nhân văn (lịch sử, xã hội học, tâm lý học, ngôn ngữ học, văn hóa học,..) và các xu hướng nhận thức luận (cấu trúc luận, hiện sinh luận, chuyển hóa luận, hiện tượng luận,..) để khám phá ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

LL-PB đại chúng: Vì LL-PB học thuật quá cao siêu, nên cần có những gương mặt được tín nhiệm để giới thiệu thông tin, định hướng dư luận, hướng tới công chúng bình dân. Xã hội phân hóa nhiều tầng lớp, sự bùng nổ các hình thức và công cụ truyền thông (tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng, nhiều lựa chọn hơn) dẫn đến đa dạng hóa các cấp độ LL-PB nghệ thuật từ PB chuyên nghiệp (gần với LL-PB học thuật) cho đến PB ký giả (bằng ấn tượng, cảm quan). Tuy nhiên, việc bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng dễ mang màu sắc tiếp thị và thiếu khách quan.

LL-PB đương đại: Hướng tới sự đa dạng và bình đẳng giá trị khi xã hội ngày càng dân chủ, nhận thức chung được nâng cao (không chịu bị chi phối bởi sự độc quyền thẩm định và khuôn mẫu tư duy của một nhóm được coi là tinh hoa). Tác phẩm nghệ thuật có cấu trúc mở đa chiều/ đa nghĩa, không áp đặt một cách hiểu cứng nhắc, cho phép cảm nhận trực diện hơn, tự do hơn; chú trọng sự tương tác giữa nghệ sĩ và công chúng. Nhất thể hóa: Mỗi tác giả là nhà LL-PB cho tác phẩm và tư tưởng của mình; mỗi người có cơ hội cảm nhận nghệ thuật theo nhu cầu và quan điểm cá nhân.

Trong xã hội thông tin, LL-PB cũng là một hoạt động truyền thông, với các yếu tố: nguồn phát, nguồn thu, nội dung, ngôn ngữ và phương tiện. Xét tổng quát từ góc độ này (theo mục đích, tính chất và đối tượng), LL-PB kiến trúc có 3 phương thức cơ bản:

Phương thức tương tác (Dialogic/ Interrogative): LL-PB xoay quanh một hiện tượng/ vấn đề kiến trúc nhất định, có sự trao đổi quan điểm (trực tiếp hoặc gián tiếp) giữa LL-ST (thực hành sáng tạo) và LL-PB (nghiên cứu/ phản biện). Phân biệt LL-PB hành động (Operative) hướng tới một mục tiêu cụ thể (như các cuộc thi và giải thưởng kiến trúc) và LL-PB đặt vấn đề/ nêu quan điểm (Problematic) tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo. Có tác động tích cực trên cả phương diện nghiên cứu và thực hành.

Phương thức độc lập (Independent/ Static): LL-PB một chiều, không có sự tương tác / liên hệ. Phân biệt LLPB phổ thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (hướng tới mọi đối tượng XH quan tâm tới kiến trúc); và LL-PB siêu hình trên ấn phẩm / tạp chí chuyên ngành (của giới nghiên cứu và thực hành chuyên nghiệp), loại này cũng mang tính hành động hoặc nêu vấn đề / quan điểm, tác động tới nhận thức và tư duy của các KTS, rất cần thiết cho các nghiên cứu lý thuyết và lịch sử.

Phương thức tích hợp (Integrated): Phối hợp lý luận nhận thức, lý luận phê bình và lý luận sáng tác trong thực hành kiến trúc. Dựa trên kinh nghiệm và trực giác, dùng LLST để định hướng xây dựng ý tưởng và phát triển quan điểm sáng tạo; dùng LLPB (phân tích, so sánh, biện luận) để tự điều chỉnh nhận thức, bổ sung luận cứ/ luận điểm để hoàn thiện triết lý sáng tác. Phù hợp với xu thế LL-PB đương đại nên ngày càng phổ biến song dễ bị đồng hóa với hoạt động PR/ quảng bá kiến trúc.

Kết luận

Kiến trúc là sản phẩm văn hóa do con người tạo dựng. Thiết kế, xây dựng, sử dụng, cảm thụ kiến trúc là những hoạt động văn hóa với những chủ thể khác nhau. Người bình luận / phê phán cảm tính về hình thức thì rất nhiều so với người sử dụng có thể nhận định khách quan về nội dung. Kiến trúc tồn tại dài lâu, phục vụ nhiều thế hệ, nên sự tiếp thu/ lan toả các giá trị càng phức tạp. LL kiến trúc không thể chỉ góp mặt khi công trình đã hoàn tất, mà phải tham gia ngay từ giai đoạn nghiên cứu ban đầu. LL-PB phải trên cùng một nền tảng nhận thức với LL sáng tác để nhận diện đúng những giá trị sáng tạo và tiến bộ.
Lý thuyết không phải là cái kính mà là khẩu súng, nó không giúp cho ai đó nhìn được rõ hơn, mà là chiến đấu tốt hơn (M.Foucault).

Theo tinh thần đó, LL kiến trúc (gồm LL Nhận thức, LL Phê bình và LL Sáng tác) sẽ là vũ khí giúp các KTS chiến đấu mạnh mẽ hơn xác định mục tiêu chuẩn xác hơn, giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

Lý thuyết không phải là cái kính mà là khẩu súng, nó không giúp cho ai đó nhìn được rõ hơn, mà là chiến đấu tốt hơn (M.Foucault).

Nguyễn Trí Thành ĐH Kiến trúc Hà Nội

(Bài đăng trênTạp chí Kiến trúc số 09-2018)

Video liên quan

Related posts:

Post a Comment

Previous Post Next Post

Discuss

×Close