Shirley Mason
Khi lần đầu xuất hiện vào năm 1973, cuốn sách Sybil nhanh chóng trở thành ấn phẩm best-seller, kể về câu chuyện có thật của một người phụ nữ mắc chứng rối loạn nhân cách.
Tuy nhiên, trong cuốn sách khác xuất bản sau này mang tên Sybil Exposed, tác giả Debbie Nathan lập luận rằng hầu hết câu chuyện của Sybil đều là giả dối. Sybil tên thật ngoài đời là Shirley Mason, người rất hay dựng chuyện và đã đóng giả bệnh tình của mình trong suốt một thời gian dài.
Mason ban đầu muốn lợi dụng việc không ổn định về mặt cảm xúc để gây sự chú ý. Cô ta dần trở nên gắn bó với bác sĩ của mình là Tiến sĩ Connie Wilbur, người có niềm đam mê với chứng rối loạn nhân cách. Để được chú ý nhiều hơn, một ngày nọ Mason xuất hiện và bắt đầu tự nhận mình là một người khác, nói chuyện bằng giọng trẻ con và thay đổi cả cách cư xử với 16 nhân cách khác nhau.
Điều này khiến Tiến sĩ Wilbur dành cả tâm huyết vào việc nghiên cứu, bỏ ra 14 đến 18 giờ một tuần cho trị liệu. Ngoài ra, bà còn hỗ trợ Mason khoản ăn uống, quần áo, tiền thuê nhà, thậm chí nhờ cả nhà báo Flora Rheta Schreiber viết sách về người phụ nữ mắc chứng rối loạn nhân cách dưới cái tên Sybil.
Khi bị công chúng phát hiện ra mình là Sybil giả dối, Mason đã bỏ trốn và bí mật chuyển đến sống gần nhà tiến sĩ Wilbur cho đến khi mất năm 1998.
Louis Vivet
Louis Vivet là một trong những trường hợp mắc chứng rối loạn nhân cách được nghiên cứu rộng rãi nhất trong những ngày đầu của ngành tâm thần học. Vivet sống ở cuối thế kỷ 19, bị ám ảnh bởi tuổi trẻ chỉ toàn bị ngược đãi và bỏ bê. Năm tám tuổi, ông được gửi đến ngôi nhà cải chính, là nơi dành cho những người phạm tội hối cải.
Năm 17 tuổi, Vivet đã là một chàng trai thông minh lanh lợi. Một ngày nọ, ông bị một con rắn lục quấn quanh cánh tay khi đang làm việc trên cánh đồng. Vivet sợ đến mức bất tỉnh và bắt đầu co giật dữ dội vào tối hôm đó. Cơn đau trở lại nhiều lần, cuối cùng khiến chân của Vivet bị tê liệt.
Vivet được gửi đến viện cứu tế Boneval vào năm 1880. Ngày 23 tháng Tư, ông trải qua cơn động kinh nghiêm trọng, đôi khi mất cả nhận thức. Khi hồi phục khoảng 50 giờ sau đó, chân ông đã có thể vận động trở lại.
Phong thái của Vivet cũng thay đổi hoàn toàn, ông xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh. Dù vậy, ông ấy lại bị thương trong một trại tị nạn khác và tiếp tục bị động kinh, thay đổi luân phiên giữa tình trạng có thể và không thể đi lại được.
Các bác sĩ đã nghiên cứu về Vivet rất nhiều. Họ thực hiện những cuộc thí nghiệm và thôi miên để thử rút ra nhiều nhân cách khác nhau mà Vivet đang thể hiện. Tổng cộng, Vivet biểu hiện ít nhất ba và tối đa mười trạng thái tính cách khác nhau.
Truddi Chase
Khi chỉ mới hai tuổi, Truddi Chase đã di cư ra nước người cùng với mẹ và cha dượng. Lúc này, bà bị cha dượng lạm dụng tình dục và bị chấn thương tâm lý, cuối cùng dẫn đến chứng bệnh rối loạn nhân cách.
Trong nhiều năm, Chase cố gắng kìm nén ký ức của mình bằng cách giữ chúng trong những nhân cách thay thế hiếm khi xuất hiện. Mỗi một nhân cách trong số 92 nhân cách của bà phục vụ các vai trò khác nhau và lưu giữ những kỷ niệm khác nhau. Ví dụ, nhân cách tên Black Catherine sẽ nắm giữ hầu hết cơn thịnh nộ của cô, còn nhân cách Rabbit thì cố kìm nén nỗi đau lại.
Chase đã viết cuốn sách về cuộc đời mình mang tên When Rabbit Howls. Câu chuyện của Chase cũng được chuyển thể thành bộ phim truyền hình có tên The Voices Inside: The Lives of Truddi Chase do Shelly Long thủ vai chính.
Mary Reynolds
Mary Reynolds sinh năm 1785, lúc nhỏ theo gia đình di cư từ Anh đến sống tại Pennsylvania. Cô có một phong thái trang nghiêm lẫn u sầu, hay dành nhiều thời gian để cống hiến cho tôn giáo.
Năm 19 tuổi, cô bị mù và điếc trong sáu tuần. Ba tháng sau, cô đột nhiên quên cách đọc và viết nhưng cuối cùng đã có thể tự học lại. Sau đó, thái độ của Reynold cũng thay đổi, được mọi người mô tả là "phấn chấn, hóm hỉnh, thích kết bạn và là người yêu thiên nhiên."
Sau năm tháng, cô lại quay về con người ban đầu của mình và luân phiên thay đổi giữa hai nhân cách trong suốt 16 năm. Khoảng năm 35 tuổi, tính cách thứ hai lại tiếp tục lộ diện, cô trở nên "phấn chấn và hóm hỉnh" cho đến khi qua đời ở tuổi 61.
Reynold được nghiên cứu bởi Tiến sĩ Samuel Latham Mitchel, người đã xuất bản câu chuyện về "ý thức kép" của cô vào thế kỷ 19
Trường hợp nghiên cứu đầu tiên được ghi nhận
Tài liệu đầu tiên được ghi chép cụ thể về chứng rối loạn nhân cách được nghiên cứu bởi Eberhardt Gmelin vào năm 1791. Trường hợp này liên quan đến một phụ nữ 20 tuổi sống ở Stuttgart, Đức, sở hữu hai nhân cách khác nhau: "Người phụ nữ Pháp" và "Người phụ nữ Đức".
Người phụ nữ Pháp nói tiếng Pháp rất trôi chảy, cư xử như một quý tộc Pháp và biết về sự tồn tại của Người phụ nữ Đức. Ngược lại, Người phụ nữ Đức không biết gì về Người phụ nữ Pháp và nói tiếng Đức với giọng Pháp.
Robert Oxnam
Vào những năm 1980, học giả Robert Oxnam là người mắc chứng nghiện rượu, rối loạn ăn uống, mất trí nhớ tạm thời và thất bại trong hôn nhân. Năm 1990, trong cuộc gặp mặt thường lệ với bác sĩ tâm thần của mình, Tiến sĩ Jeffery Smith, toàn bộ thái độ của Oxnam đã thay đổi. Đột nhiên, đó không còn là Oxnam trước mặt bác sĩ Smith, mà là một cậu bé tức giận tên Tommy.
Hóa ra khi còn nhỏ, Oxnam bị lạm dụng tình dục và thể xác, từ đó phát triển chứng rối loạn nhân cách. Ông được xác định có 11 nhân cách khác biệt, bao gồm Tommy, Bobby - kẻ gây rối thích trượt patin, Phù Thủy - nhân cách đáng sợ, Baby - người lưu giữ những ký ức về chấn thương thời thơ ấu của Oxnam...
Oxnam đã viết cuốn sách kể về trải nghiệm của mình có tên là A Fractured Mind (tạm dịch: Một tâm trí tổn thương).
Ansel Bourne
Một ngày nọ vào giữa thế kỷ 19, người đàn ông tên A.J. Brown đến Norristown, Pennsylvania để mở một cửa hàng nhỏ. Khoảng hai tháng sau, Brown tỉnh dậy và không biết mình đang ở đâu. Hóa ra Brown tên thật là Ansel Bourne, một nhà truyền giáo đến từ Rhode Island.
Bourne mắc chứng rối loạn phân ly, một căn bệnh tương tự như rối loạn nhân cách. Đó là khi con người mất hết ký ức về danh tính và quá khứ cá nhân của mình, nhưng về cơ bản vẫn tiếp tục hoạt động ở trạng thái tự động. Chứng rối loạn phân ly có thể kéo dài vài tháng hoặc cả một đời người.