Mỗi tháng thai kỳ đi qua, em bé sẽ phát triển nhanh chóng, di chuyển nhiều và cũng sẽ đặt mình ở các vị trí khác nhau. Chính vì vậy, việc người mẹ nắm được tư thế nằm của bé ở trong tử cung cũng quan trọng như việc kiểm tra sự tăng trưởng và theo dõi nhịp tim của bé bởi điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thai nhi, đặc biệt là khi gần đến ngày sinh nở.
Những vị trí nằm phổ biến của thai nhi trong bụng mẹ.
Thai nhi nằm trong bụng mẹ có thể ở nhiều vị trí khác nhau. Vậy nhưng mỗi vị trí này có ý nghĩa như thế nào thì không phải mẹ bầu nào cũng nắm được. Cùng tìm hiểu về những vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ để biết em bé có thuận lợi cho ca sinh nở sắp tới của bạn hay không.
#1. Tư thế ngôi đầu trước
Đây được coi là vị trí hầu hết thai nhi sẽ nằm khi bắt đầu chuyển dạ và cũng được coi là vị trí tốt nhất, thuận lợi nhất cho ca sinh nở. Khi ở vị trí này, đầu bé quay xuống dưới khung xương chậu, mặt úp vào bụng mẹ, em bé sẽ dễ dàng đi qua ống sinh để chào đời. Nếu em bé nằm hơi nghiêng sang trái gọi là tư thế chẩm chậu trái trước (LOA) hoặc nghiêng sagn phải thì được gọi là tư thế chẩm chậu phải trước (ROA). Hầu hết thai nhi sẽ ổn định nằm ở vị trí này từ khoảng tuần thứ 33-36 thai kỳ.
#2. Tư thế ngôi đầu sau
Em bé vẫn nằm ở vị trí đầu quay xuống dưới nhưng mặt lại quay ra bụng thay vì quay vào trong. Nguyên nhân có thể do mẹ ngồi hoặc nằm nhiều trong quá trình mang thai.
Trong giai đoạn đầu của chuyển dạ, có khoảng 1/10 trẻ nằm ở vị trí này nhưng hầu hết sau đó sẽ tự xoay mình để về vị trí đúng như vị trí số 1. Tuy nhiên có khoảng 10-28% số ca các bé sẽ không xoay người.
Thai nhi nằm ở vị trí này sẽ làm tăng thời gian sinh nở lâu hơn và khiến mẹ bị đau lưng nghiêm trọng. Gây tê màng cứng có thể là cần thiết trong trường hợp này để giảm bớt cơn đau.
#3. Tư thế ngôi ngang
Với tư thế này, em bé sẽ nằm ngang trong tử cung của mẹ giống như bé đang nằm ngủ trên 1 chiếc võng. Đây là vị trí nằm khó để mẹ có thể sinh thường. Với vị trí này, lưng em bé nằm ở phía dưới tử cung, tay và bàn chân hướng lên trên. Nhiều em bé ở vị trí này sẽ quay đầu trước khi mẹ chuyển dạ, nhưng một số thì không và bác sĩ có thể phải quyết định cho mẹ sinh mổ vì nguy cơ sa dây rốn trước khi bé chào đời an toàn.
#4. Tư thế ngôi mông
Với vị trí này, mông sẽ là bộ phận nằm bên dưới tử cung còn đầu thai nhi lại nằm gần đầu tử cung, hai chân giơ thẳng ở phía trước cơ thể. Tư thế này gây khó khăn khi mẹ chuyển dạ. Với thai nhi ngôi mông, sinh mổ là phương pháp an toàn nhất tuy nhiên vẫn có những bà mẹ đã sinh thường thai ngôi ngược thành công. Một số nguyên nhân thai ngôi mông được kể đến như là do lượng nước ối hoặc do hình dạng của tử cung.
Thai nhi ngôi mông có 3 loại chính:
- Ngôi mông hoàn toàn: Khi mông hướng về cổ tử cung, hai chân gập lại và bàn chân sát gần mông.
- Ngôi mông thiếu mông: Khi mông hướng về cổ tử cung nhưng 2 chân giơ thẳng lên trước mặt, bàn chân gần đầu.
- Ngôi mông kiểu bàn chân: Khi mông hướng về cổ tử cung nhưng một hoặc cả 2 chân đều hướng xuống dưới chỗ cổ tử cung.
Vị trí nằm của thai nhi có thể thay đổi được không?
Vị trí nằm của bé có thể thay đổi. Trên thực tế, hầu hết các bé sẽ tự xoay về ngôi thuận hay ngôi đầu sau 36 tuần. Một số em bé thậm chí thay đổi tư thế, vị trí ngay trước khi mẹ chuyển dạ. Với thai ngôi mông, các bác sĩ cũng có thể áp dụng thủ thuật xoay ngôi thai (ECV) từ bên ngoài bằng tay để đưa thai nhi về vị trí thuận cho việc sinh nở. Bác sĩ sẽ dùng tay ở bên ngoài bụng bầu để sẽ nhẹ nhàng điều khiển thai nhi từ tư thế nằm nghiêng sang tư thế nằm ngang, sau đó là nằm ngửa.
Một số người tin rằng các bài tập trong thời gian mang thai có thể giúp em bé xoay mình sang vị trí thích hợp. Một bài tập phổ biến là bài nghiêng mình về phía trước. Người mẹ chống tay lên sàn nhà, hai chân ở vị trí cao hơn, giống như tư thế của thai nhi trong tử cung và lắc lư người qua lại từ 10 đến 15 phút. Bài tập này được cho là giúp thư giãn cơ xương chậu và lực hấp dẫn bên trong tử cung.
Bơi lội, đi bộ và ngồi trên bóng nhún cũng giúp mẹ bầu khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bà bầu cần thường xuyên tham khảo ý kiến bác sĩ và theo dõi vị trí nằm của em bé khi mang thai để bác sĩ kịp thời can thiệp hoặc đưa ra những lời khuyên hợp lý, an toàn nhất cho thai nhi và mẹ bầu.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/4-vi-tri-nam-cua-thai-nhi-trong-bung-me-tu-the-dau-tien-la-tot-...