Chuỗi giá trị du lịch là gì

Chuỗi giá trị du lịch là gì

Du lịch là một ngành phức tạp có tác động hai chiều tới những phần còn lại của nền kinh tế. Để khai thác hết tiềm năng, ngành du lịch cần quản lý chặt chẽ mối liên kết liên đa ngành này.

Du lịch là một trong những ngành kinh tế lớn nhất thế giới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và tạo việc làm. Trước đại dịch, nghiên cứu thường niên năm 2019 của Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC) cho thấy GDP của ngành du lịch chiếm 10,3% GDP toàn cầu (9,2 nghìn tỷ USD) và tạo ra 330 triệu việc làm. Hơn nữa, lợi ích của du lịch không chỉ dừng lại ở các tác động trực tiếp như đóng góp GDP hay việc làm mà còn thể hiện ở những lợi ích gián tiếp thông qua liên kết chuỗi cung ứng với các lĩnh vực khác. Hàng loạt các tác động có thể đạt được bằng việc kết hợp chặt chẽ du lịch với các ngành lân cận như nông nghiệp hoặc thủ công, từ đó thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Điều này cũng góp phần tạo ra thêm việc làm và thu nhập.

Do đó, việc thấu hiểu nền tảng của chuỗi giá trị du lịch là điều cần thiết đối với cơ quan quản lý điểm đến để quản lý các chính sách, sự phát triển và hoạt động du lịch cũng như tối ưu hóa giá trị tạo ra từ du lịch. Về cơ bản, khách du lịch chi tiêu càng nhiều tiền và số tiền đó ở lại trong khu vực càng nhiều thì giá trị gia tăng cho điểm đến càng lớn.

Tuy nhiên, gia tăng giá trị không chỉ là một mục tiêu kinh tế, nó còn có thể được hiểu là mục tiêu cho môi trường và phát triển văn hóa xã hội. Do đó, mô hình chuỗi giá trị là một công cụ trợ giúp hữu ích để hiểu được cấu trúc nhiều tầng và quy trình cung cấp dịch vụ trong ngành du lịch, từ đó tìm ra các điểm đầu vào cho các can thiệp phù hợp.

Chuỗi giá trị du lịch là gì?

Chuỗi giá trị là một thuật ngữ quen thuộc trong kinh tế học để mô tả quá trình mà mỗi hoạt động sử dụng các nguồn lực, tạo ra giá trị và được kết nối với các hoạt động khác. Đối với du lịch, chuỗi giá trị là chuỗi liên kết những hoạt động chính và hoạt động phụ trợ có tính chiến lược nền tảng cho hoạt động của ngành du lịch.

Chuỗi giá trị du lịch đề cập đến một loạt các hoạt động có liên quan với nhau tạo ra các giá trị mà khách du lịch trải nghiệm trong chuyến đi của họ. Trong đó đòi hỏi tất cả các bên cùng hợp tác để gia tăng giá trị cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho khách du lịch được gọi là lấy khách hàng là trung tâm hay chuỗi giá trị trải nghiệm khách hàng. Trải nghiệm du lịch trong chuỗi giá trị trình bày chi tiết các bước mà khách du lịch quyết định khi đi nghỉ cho đến khi họ quay trở lại sau cuộc hành trình. Đặc điểm phụ thuộc lẫn nhau của các doanh nghiệp trong ngành du lịch khiến họ cùng chia sẻ và hưởng những lợi ích từ môi trường chung, đồng thời cùng chịu tác động từ những sự kiện không mong muốn. Do đó, các hoạt động của chuỗi giá trị là một phần tạo nên lợi thế cạnh tranh.

Mô hình chuỗi giá trị du lịch tại điểm đến

Source: Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO

Các sản phẩm, hoạt động và dịch vụ tại điểm đến là những hoạt động chính và trực tiếp quan trọng của chuỗi giá trị du lịch. Mặt khác, các hoạt động hỗ trợ hay còn gọi là hoạt động gián tiếp có thể không liên quan đến lĩnh vực kinh doanh du lịch cốt lõi nhưng có tác động cao đến giá trị du lịch. Cơ sở hạ tầng, giao thông và tiện ích là những yếu tố đầu vào rõ ràng cho ngành du lịch, cũng như ngành xây dựng và nội thất địa phương cũng có thể đóng vai trò là nhà cung cấp cho ngành du lịch. Tương tự, trường hợp của nông nghiệp địa phương, đánh bắt cá và chế biến thực phẩm cũng là nguồn cung cho du lịch. Ngoài ra, các ngành thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức, dệt may và mỹ phẩm cũng có thể tận dụng lợi thế của du lịch để lấy nguồn thu từ du khách.

Nhìn chung, các hoạt động chính tập trung phần lớn giá trị được tạo ra cho khách hàng. Các hoạt động hỗ trợ là những hoạt động được thực hiện bởi các cá nhân và tổ chức tham gia vào các hoạt động chính. Do đó, phân tích chuỗi giá trị sẽ cung cấp kịch bản thực tế và cập nhật nhất của nền kinh tế du lịch cũng như các mắt xích nào đang yếu tại một điểm du lịch cụ thể và một mô hình chung để tối ưu hóa cả chi phí cũng như các nguồn lực hiện có và tiềm năng để khai thác.

Chuỗi giá trị giúp gia tăng giá trị trong du lịch như thế nào

Như đã định nghĩa, chuỗi giá trị là một công cụ quản lý giúp chúng ta hiểu và thiết kế cụ thể các quy trình và cấu trúc phức tạp của ngành. Qua đó, chúng ta có thể khai thác tối ưu các mối liên kết đa chiều để du lịch đóng góp đa dạng hơn thông qua việc phát triển các bộ phận khác của nền kinh tế.

Tiếp cận với chuỗi giá trị đòi hỏi nhiều thứ hơn là chỉ mô tả các hoạt động gia tăng giá trị. Thay vào đó, nó liên quan đến hệ thống cấu trúc của quá trình tạo ra giá trị, phân tích và đánh giá từ một góc độ cụ thể và việc xác định các dự án và các biện pháp góp phần vào mục tiêu được xác định trước.

Có hai chiến lược cơ bản để thúc đẩy giá trị gia tăng du lịch:

(1) tăng giá trị các thành phần trong chuỗi giá trị

(2) tăng thêm các thành phần trong chuỗi giá trị

Nói một cách dễ hiểu, chúng ta có thể cân nhắc giữa việc tăng giá các dịch vụ sẵn có hoặc tạo ra nhiều dịch vụ hơn để chi tiêu.

Mặc dù cả hai chiến lược đều mở ra nhiều lựa chọn cho các can thiệp hợp tác phát triển, nhưng việc tìm ra đòn bẩy phù hợp để giúp đạt được các mục tiêu cho từng dự án riêng lẻ vẫn là một thách thức. Điều này một phần là do lĩnh vực du lịch rất phức tạp với đa dạng loại hình dịch vụ khác nhau và có nhiều mối liên kết với các lĩnh vực lân cận khác của nền kinh tế.

Đối với những nhà hoạch định chính sách, sử dụng mô hình chuỗi giá trị như một công cụ điều hành vĩ mô sẽ giúp có được cái nhìn tổng quan, xác định được các tác nhân của chuỗi giá trị có liên quan, các mô hình chi tiêu và tác động môi trường ở cấp độ điểm đến. Từ đó, cơ quan quản lý có thể đưa ra các điều chỉnh và can thiệp kịp thời giúp gia tăng giá trị cho không chỉ ngành du lịch mà còn các ngành kinh tế liên quan khác.

Mặt khác, các doanh nghiệp lại có thể tận dụng chuỗi giá trị để có hình dung về tất cả các đối tác trong chuỗi giá trị của mình. Từ đó hiểu rõ hơn về các yếu tố tác động đến doanh nghiệp và sử dụng mối quan hệ của doanh nghiệp với các nhà cung cấp hoặc khả năng tác động đến khách để thúc đẩy những thay đổi tích cực.

Có thể nói, để xác định và xây dựng một mô hình chuỗi giá trị cho ngành du lịch không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của cả cấp quản lý và các doanh nghiệp liên quan. Tuy nhiên, nắm bắt được các mắt xích quan trọng trong chuỗi sẽ đóng vai trò lớn trong việc tối ưu hóa nguồn lực quản lý và kinh doanh cũng như gia tăng giá trị kinh tế xã hội. Đặc biệt khi ngành du lịch đang bị tác động lớn bởi dịch bệnh trong hơn 1 năm qua, đây chính là lúc chúng ta cần phải điều chỉnh nguồn lực đúng chỗ hơn bao giờ hết để thích nghi và hoạt động trong thời kì mới. Do đó, không chỉ các cấp quản lý mà cả bản thân doanh nghiệp cũng cần phải nhìn nhận lại bức tranh chung của thị trường để từ đó tìm ra những điểm tiềm năng giúp gia tăng giá trị, đồng thời hạn chế và can thiệp vào những mắt xích đã không còn phù hợp nữa.

Video liên quan

Related posts:

Post a Comment

Previous Post Next Post

Discuss

×Close