Nhân dịp khởi đăng loạt bài30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam,Báo Quân đội nhân dân Điện tửxin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Loạt bài phân tích về sự kiện sau 30 năm Liên Xô sụp đổ trênBáo Quân đội nhân dân Điện tử
30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam - Bài 5: Quân đội công cụ mạnh và tin cậy nhất khoanh tay đứng nhìn
30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam - Bài 4: Những vũ khí tư tưởng mang hàng triệu vi trùng
30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam - Bài 3: Đỉnh cao lao dốc tự diễn biến , tự chuyển hóa
30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam - Bài 2: Khi then chốt của then chốt bịgài chốt
30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam - Bài 1: Khi Đảng Cộng sản tự xóa bỏ chính mình
Đảng Cộng sản Liên Xô có lịch sử vô cùng oanh liệt và vẻ vang. Được Lênin sáng lập và rèn luyện, Đảng đã từng là một trong những đảng mácxít - lêninnít hùng mạnh nhất và kiên cường nhất. Đảng đã từng lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đánh thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai, xây dựng những cơ sở vật chất - kỹ thuật quan trọng của chủ nghĩa xã hội, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử nhân loại.
Đó thật sự là những công việc kinh thiên động địa, những sự tích thần kỳ, được cả loài người tiến bộ cảm phục và kính trọng. Vậy mà chỉ mấy năm cải tổ, cải cách, đến tháng 8-1991, Đảng Cộng sản Liên Xô với gần 20 triệu đảng viên, có mạng lưới tổ chức trong hầu khắp các cơ sở thuộc mọi lĩnh vực, mọi miền của đất nước, đã nhanh chóng tan rã cùng với sự tan rã của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô. Tổn thất hết sức nặng nề và đau buồn này đã không khỏi gây nên những chấn động bàng hoàng trong những người cộng sản trên toàn thế giới.
Vì sao có sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô? Đây là một câu hỏi lớn rất nhức nhối, và là vấn đề cần nghiên cứu, suy nghĩ nghiêm túc để rút ra những bài học thiết thân cho chúng ta.
Bất cứ sự việc, hiện tượng nào cũng có những nguyên nhân khách quan và chủ quan của nó, nhưng xét tới cùng là do nguyên nhân chủ quan quyết định. Vì vậy, phải tìm nguyên nhân tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô trước hết ở chính ngay sự hoạt động, vận động của bản thân Đảng Cộng sản Liên Xô mà nòng cốt là một số người lãnh đạo chủ chốt của Đảng.
Người dân Litva (nước thành viên của Liên Xô) tụ tập ở thủ đô Vilnius vào ngày 12-1-1990 để đòi tách khỏi Liên Xô. Litva là nước cộng hòa Xô viết đầu tiên tuyên bố độc lập. Ảnh: Getty.Bước đầu suy nghĩ cho thấy, có thể có mấy nguyên nhân chủ quan rất then chốt sau đây:
Một là, không xác lập đúng đắn sự lãnh đạo của Đảng, buông lơi công tác xây dựng Đảng.
Đảng Cộng sản ra đời, tồn tại và phát triển không phải với mục đích tự thân, mà là để lãnh đạo cách mạng, dẫn dắt nhân dân phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân.
Lịch sử và thời đại đã trao cho Đảng sứ mệnh nặng nề và cao quý là lãnh đạo đất nước, lãnh đạo nhân dân. Tuy nhiên, trước khi giành được chính quyền và sau khi đã trở thành đảng cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng có nhiều việc không hoàn toàn giống nhau.
Trong điều kiện có chính quyền, Đảng lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo mọi lĩnh vực của xã hội thông qua chính quyền và bằng chính quyền, Đảng tập trung sức lực chủ yếu vào việc xác định hệ thống quan điểm lý luận, xây dựng cương lĩnh, đường lối, đào tạo bố trí cán bộ, tiến hành công tác chính trị tư tưởng, công tác kiểm tra.
Đồng thời, Đảng làm mọi việc cần thiết để xây dựng chính quyền vững mạnh về phát huy đến mức cao nhất vai trò, hiệu lực của chính quyền. Đảng không phải là cơ quan quyền lực nhà nước, không làm thay Nhà nước, không bao biện các công việc của Nhà nước.
Đảng và Nhà nước không phải là hai hệ thống song song, Đảng càng không phải là cơ quan siêu quyền lực đứng trên Nhà nước, hoạt động ngoài khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Có một thời gian dài Đảng Cộng sản Liên Xô phạm khuyết điểm bao biện công việc Nhà nước, không phát huy đầy đủ vai trò của Nhà nước, dẫn đến gần như biến thành Nhà nước, làm các công việc của Nhà nước.
Phát hiện ra khuyết điểm này, Đảng Cộng sản Liên Xô chủ trương phải tiến hành cải tổ, sửa đổi phương thức lãnh đạo, chống độc quyền, đảng trị, chống hành chính hoá công việc của Đảng, khắc phục tình trạng bao biện, làm thay Nhà nước. Đó là chủ trương đúng. Nhưng trong quá trình thực hiện, một số người lãnh đạo của Đảng dần dần xa rời nguyên tắc và chủ định đặt ra lúc ban đầu, trượt dài trên con đường sai lầm mới.
Với khẩu hiệu "Trả lại chính quyền cho nhân dân", "Tất cả chính quyền về tay Xô viết", chủ trương xoá Điều 6 trong Hiến pháp Liên Xô (là điều khẳng định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên Xô đối với toàn xã hội), họ từng bước hạ thấp rồi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong hành động thực tế, người ta không chăm lo củng cố các tổ chức đảng, không giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, xem nhẹ vấn đề lãnh đạo Nhà nước thông qua các tổ chức đảng, làm cho hệ thống tổ chức của Đảng rệu rã, kỷ luật lỏng lẻo, tổ chức đảng không kiểm tra, giám sát đảng viên, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng quá yếu.
Hàng trăm nghìn tổ chức cơ sở đảng rơi vào tình trạng yếu kém. Đề cao trách nhiệm cá nhân, lập ra chế độ tổng thống, nhưng lại không xác lập cơ chế kiểm tra, giám sát của Đảng, không cử các Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách các lĩnh vực và cơ quan trọng yếu của chính quyền.
Tổng Bí thư chuyển trọng tâm công tác sang cương vị tổng thống, mọi việc về Đảng giao cho Phó tổng bí thư. Với khẩu hiệu "phi đảng hóa", "phi chính trị hóa" trong quân đội, công an, KCB, họ còn vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng cả trong các lực lượng chuyên chính này.
Trong khi đó họ khuyến khích lập các đảng phái, tổ chức đối lập, tưởng làm như thế là dân chủ, mà không biết rằng như vậy là tự mình trói tay mình, rốt cuộc để tuột sự lãnh đạo của Đảng.
Hai là, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là kết tinh các giá trị văn minh, trí tuệ của nhân loại, là sản phẩm của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân. Trong rất nhiều năm, các đảng cộng sản và công nhân đã ghi vào cương lĩnh và điều lệ của mình rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin cũng có những điểm cần sửa chữa, bổ sung, phát triển, hoàn thiện dần cho phù hợp với những biến đổi, những phát triển của thời đại.
Đó là việc làm rất bình thường và tự nhiên. Chủ nghĩa Mác - Lê nin không phải là một giáo điều chết cứng. Chính các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin cũng luôn luôn khuyên bảo và nhắc nhở các thế hệ sau như vậy.
Nhưng từ một số khiếm khuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin, người ta đã cường điệu lên cho rằng toàn bộ chủ nghĩa Mác - Lênin "đã lỗi thời", "sai lầm", lâm vào "khủng hoảng", "không còn thích hợp" với thời đại ngày nay.
Có người dè dặt hơn thì cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ còn được mặt phương pháp chứ các quan điểm thì sai lầm, chỉ nên coi chủ nghĩa Mác - Lênin là một nguồn tư tưởng như các nguồn khác.
Trong các văn kiện chính thức vài năm gần đây của Đảng Cộng sản Liên Xô không nói đến chủ nghĩa Mác - Lênin như là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản mà chỉ nói kế thừa các giá trị tư tưởng của Mác, Ăngghen, Lênin, đồng thời tiếp thu các nguồn khác của văn minh nhân loại.
Trên thực tế là đã mắc mưu của chủ nghĩa đế quốc, của các nhà tư tưởng chống cộng, hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, thay đổi các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin bằng những luận điểm của chủ nghĩa xã hội dân chủ.
Một loạt vấn đề cơ bản của học thuyết Mác - Lênin đã bị "tư duy chính trị mới" làm cho sai lạc. Đặc biệt là người ta xem nhẹ vấn đề đấu tranh giai cấp, nhấn mạnh những giá trị chung toàn nhân loại; xem nhẹ chuyên chính vô sản, nhấn mạnh hòa hoãn, nhân quyền, cho rằng chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, xét lại sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; nhấn mạnh vấn đề dân tộc, xem nhẹ chủ nghĩa quốc tế; nhấn mạnh vấn đề dân chủ công khai, xem nhẹ vấn đề kỷ luật tập trung thống nhất trong Đảng...
Từ chỗ xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, người ta phạm sai lầm nghiêm trọng về đường lối, xa rời con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, ngả dần sang thân phương Tây, đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội dân chủ, ảo tưởng trông chờ vào sự cưu mang giúp đỡ của chủ nghĩa tư bản nước ngoài.
Rõ ràng, sự xa rời, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin là nguyên nhân tệ hại dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực và làm tan rã Đảng về mặt chính trị tư tưởng.
Phong trào nổi loạn đòi ly khai cũng xảy ra ở cộng hòa Xô viết Azerbaijan. Trong ảnh, một đám đông đang cản đường một đoàn xe thiết giáp Liên Xô gần Ganja, Azerbaijan vào ngày 22-1-1990. Ảnh: AP.
Ba là, coi nhẹ hoặc phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng.
Sức mạnh của Đảng với tư cách là một tổ chức chặt chẽ là ở tính thống nhất, ở sự đoàn kết nhất trí của đội ngũ đảng viên. Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, "sự thống nhất trong những vấn đề cương lĩnh và sách lược là điều kiện tất yếu, nhưng chưa đầy đủ, để bảo đảm sự thống nhất của Đảng và sự tập trung hoá công tác của Đảng... còn phải có sự thống nhất về tổ chức nữa".
"Tôi muốn và tôi đòi Đảng đã là đội tiên phong của giai cấp thì phải hết sức có tổ chức". "Cần phải có kỷ luật của Đảng, cần phải có chế độ tập trung hết sức nghiêm ngặt", "nếu không có kỷ luật và không có chế độ tập trung, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được nhiệm vụ". "Bất cứ sự bè phái nào cũng là tai hại, không thể dung thứ được" (Những đoạn trích trong ngoặc kép xin xem: VILênin: Về những nguyên tắc tổ chức của đảng vô sản, Nxb, Sự thật, Hà Nội, 1978, tr.85, 73, 117, 109, 125...).
Chế độ tập trung mà Lênin nói ở đây không phải là tập trung quan liêu, độc đoán chuyên quyền. Lênin phê phán những hiện tượng vô tổ chức, vô kỷ luật, đồng thời phê phán những hiện tượng "lẫn lộn chế độ tập trung với chế độ độc đoán và chế độ quan liêu".
Người nhắc nhở: "không được quên rằng bênh vực chế độ tập trung có nghĩa là chỉ bênh vực chế độ tập trung dân chủ mà thôi", "các đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản phải được xây dựng theo nguyên tắc dân chủ". Trong Đảng cần phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ.
Tiếc rằng, có một thời kỳ Đảng Cộng sản Liên Xô, cũng như nhiều đảng cộng sản và công nhân ở các nước khác, hiểu không đúng và thực hiện không đầy đủ những điều chỉ dẫn của Lênin về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.
Người ta nhấn mạnh một chiều vấn đề tập trung và kỷ luật, không chú trọng phát huy dân chủ, dẫn đến độc đoán, quan liêu, thậm chí sùng bái cá nhân, chuyên quyền, lộng hành, gây ra những tác hại rất lớn.
Cải tổ và đổi mới là nhằm khắc phục sai lầm, khuyết điểm đó. Nhưng từ cực đoan này người ta lại nhảy sang cực đoan khác. Từ chỗ chống tập trung quan liêu, đề cao dân chủ, người ta lại chủ trương dân chủ hoá một cách cực đoan, vô giới hạn.
Rất nhiều nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng bị vi phạm, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể cá nhân phụ trách, cấp dưới phục tùng cấp trên, Đảng viên chịu sự kiểm tra và phục tùng kỷ luật của tổ chức.
Trong Điều lệ Đảng (thông qua tại Đại hội XXVIII của Đảng Cộng sản Liên Xô) không hề nói nguyên tắc tập trung dân chủ, mà chỉ nhấn mạnh vấn đề dân chủ. Các bài phát biểu của những người lãnh đạo cao nhất của Đảng chỉ nhấn mạnh vấn đề dân chủ hóa, đưa ra khẩu hiệu đa nguyên (lúc đầu chỉ là đa nguyên ý kiến, rồi dần dần đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập), chấp nhận cho các tổ chức đối lập ra đời.
Thế là ngay tức khắc, hàng chục đảng đối lập, hàng trăm rồi hàng nghìn, hàng chục nghìn tổ chức chính trị - xã hội đối lập mọc ra nhanh như nấm sau cơn mưa.
Trong nội bộ Đảng cũng có sự phân hóa, chia rẽ, thậm chí thành nhiều bè cánh đối chọi nhau. Đến Đại hội XXVIII của Đảng có tới 24 cương lĩnh khác nhau. Trên Báo Pravda (cơ quan Trung ương của Đảng lúc đó) đăng trên cùng một trang hai bản dự thảo cương lĩnh đối lập - một của Trung ương Đảng, một của phái dân chủ.
Đồng thời với sự chia rẽ trong nội bộ Đảng và sự ra đời của hàng loạt tổ chức đối lập, các nước cộng hòa cũng lần lượt đòi ly khai, các dân tộc hiềm khích, xung đột nhau, các tôn giáo trỗi dậy rất nhanh và rất mạnh. Các thế lực đế quốc và phản động không mong gì hơn thế.
Suốt bao nhiêu năm chúng ráo riết kích động, chia rẽ, "diễn biến hòa bình" cũng chỉ nhằm mục đích này. Kết cục là sự thống nhất trong Đảng bị phá vỡ, kéo theo sự tan vỡ của khối thống nhất toàn liên bang, đất nước ngày càng lún sâu vào rối loạn, khủng hoảng.
Lúc đó chỉ cần ông Tổng Bí thư tuyên bố từ chức, giải tán Ủy ban Trung ương (không có điều lệ nào quy định như vậy) là lập tức toàn Đảng tan rã, dù là Đảng có hàng chục triệu đảng viên.
Bốn là, xa rời quần chúng, mất uy tín nghiêm trọng trước nhân dân, không được nhân dân ủng hộ.
Cả lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, nguồn gốc sức mạnh của một đảng cách mạng chân chính là ở mối liên hệ mật thiết với nhân dân, được nhân dân ủng hộ. Trong lịch sử quang vinh của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhân dân với Đảng đã từng là một khối thống nhất, đã từng kết thành mối dây liên hệ máu thịt bền chặt.
Đảng Cộng sản Liên Xô đã nhiều lần đúc rút kinh nghiệm và kết luận: Sức mạnh của Đảng là ở mối liên hệ mật thiết với nhân dân, cũng như sức mạnh của nhân dân bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và dưới sự lãnh đạo của Đảng". Đó là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản, là quy luật vận động của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế đau xót là có một bộ phận cán bộ, đảng viên trong điều kiện đảng cầm quyền đã không giữ được phẩm chất và đạo đức cách mạng.
Họ thoái hóa, biến chất, phạm vào tham nhũng, quan liêu, hách dịch, xa dân, bị quần chúng oán ghét. Khi tiến hành cải tổ, Đảng chủ trương phải chống tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, chống quan liêu, xa dân.
Mà muốn chống được những căn bệnh nghiêm trọng, cắt bỏ được "khối u ác tính" này trên cơ thể Đảng thì phải dựa vào nhân dân, phải thực hiện phê phán công khai, đề cao vai trò của công luận.
Chủ trương đó là hoàn toàn đúng. Điều đáng tiếc là trong quá trình thực hiện, Đảng và Nhà nước đã không dự tính hết sự phức tạp và nhạy cảm của tình hình, không có bước đi chắc chắn phù hợp.
Lực lượng ly khai đối mặt với hàng rào binh sĩ của Bộ Nội vụ phía trước trụ sở Đảng Cộng sản Tajikistan ở thủ đô Dushanbe vào ngày 15-1-1990. Giới chức Xô viết phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong thành phố này. Ảnh: RIA.Với khẩu hiệu "dân chủ hóa", "công khai hóa", các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra công khai tất cả những mặt tiêu cực, xấu xa tích tụ lại lâu nay trong Đảng mà không có sự cân nhắc, chọn lọc, không có sự phân tích định hướng xây dựng, khiến cho những phần tử cực đoan bất mãn lợi dụng để nói xấu Đảng, xuyên tạc, vu cáo Đảng, làm tổn hại nghiêm trọng đến thanh danh, uy tín chung của toàn Đảng.
Hàng loạt cán bộ, trong đó có nhiều cán bộ trung kiên bị thanh lọc. Hơn 100 Ủy viên Trung ương bị đưa ra khỏi Ủy ban Trung ương cùng một lúc... Các chuyên gia chống cộng, các nhà chính trị và tư tưởng tư sản nhân cơ hội này càng điên cuồng dẫn tới kích động, chia rẽ Đảng với nhân dân.
Phải thấy rằng âm mưu chia rẽ Đảng với nhân dân đã có từ lâu trong giới chống cộng, chống Liên Xô. Điều tệ hại là có những nhân vật cơ hội mị dân, ngay từ trong Đảng đứng ra tố cáo, bôi nhọ Đảng.
Họ biết lúc này giương cao cờ chống tham nhũng, chống đặc quyền đặc lợi là rất được lòng dân, họ tỏ ra hăng hái đi xung kích trong chiến dịch này. Nhiều người lớn tiếng phê phán Đảng, công kích Đảng, thậm chí phê phán không thương tiếc cả quá khứ quang vinh của Đảng, lịch sử vẻ vang của đất nước, bôi nhọ cả lãnh tụ thiên tài của Đảng.
Kết cục là cả quá khứ anh hùng của Đảng, những trang sử chói ngời của đất nước Liên Xô vĩ đại dường như chỉ toàn là màu đen, tội lỗi, đáng căm thù. Họ đập vỡ hết, phá bỏ hết, đến cả những tượng đài V.I.Lênin và bạn chiến đấu thân thiết của Người - những công trình văn hoá ghi nhận một giai đoạn hiển hách trong lịch sử Liên Xô, ghi nhận trình độ văn minh của con người!
Cứ như thế, tình hình ngày càng trầm trọng, Đảng không có cách gì cứu chữa. Những người cộng sản chân chính không có sự phản kích thích đáng để bảo vệ mình, bảo vệ Đảng và cũng không đưa ra được chủ trương gì mới mẻ, hữu hiệu.
Họ bị gán cho là bảo thủ, cứng rắn, từng bước bị vô hiệu hóa, và càng ngày càng mất uy tín, không tập hợp được lực lượng trong Đảng và trong nhân dân, không được nhân dân ủng hộ tích cực. Mà một khi đã không tập hợp được quần chúng, không được nhân dân ủng hộ, thì Đảng tan rã là điều không tránh khỏi.
Năm là, từ bỏ chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, thổi lên ngọn lửa kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi.
Chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân là đặc trưng, là thuộc tính của giai cấp công nhân và của Đảng Cộng sản Liên Xô suốt một thời gian dài đã đóng vai trò trụ cột trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đất nước Liên Xô - quê hương của Lênin và Tháng Mười - đã từng là thành trì của cách mạng và hòa bình thế giới.
Liên Xô đã làm hết sức mình, đóng góp to lớn cho nhân loại tiến bộ, giúp đỡ các Đảng và các nước anh em theo tinh thần quốc tế trong sáng, vô tư. Người dân Liên Xô tự hào về sự đóng góp của mình cho phong trào cách mạng thế giới, và trước mắt nhân loại tiến bộ, họ đã trở thành biểu tượng cho tình cảm anh em đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc. Bản thân sự hợp tác giữa các nước cộng hòa trong đại gia đình Liên bang Xô viết có một thời là mẫu mực về tinh thần quốc tế của giai cấp công nhân.
Tuy nhiên, mặt trái ở đây là có lúc, có bộ phận nảy sinh tư tưởng nước lớn, muốn áp đặt, làm thay, "xuất khẩu cách mạng", viện trợ và giúp đỡ không đúng tinh thần quốc tế của giai cấp công nhân.
Từ đó dẫn đến làm cho dân trong nước phải chịu đựng hy sinh quá lớn, kinh tế tài chính khó khăn còn nước được viện trợ thì ỷ lại, hoặc cho là mình bị mất chủ quyền. Các nước cộng hòa, các dân tộc trong liên bang cảm thấy mình mất độc lập, không được bình đẳng.
Việc nhận thức lại và thực hiện đúng đắn hơn chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân là cần thiết và nằm trong tinh thần cải tổ, đổi mới nói chung. Nhưng cũng từ đây một số người lãnh đạo Liên Xô lại trượt sang một cực đoan mới: Không nói gì đến chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, thờ ơ với công việc của các Đảng và các nước anh em, quay về lo cho lợi ích của đất nước mình, dân tộc mình, từ bỏ sự giúp đỡ quốc tế, khơi lên vấn đề kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi, thậm chí để xảy ra những cuộc xung đột dân tộc "huynh đệ tương tàn" ở một số nơi, có nơi đẫm máu và bi thảm.
Trong khi đó các lực lượng đế quốc và phản động ra sức tập hợp nhau, bề ngoài có vẻ vô tình nhưng rất nhịp nhàng, ăn ý, có bài bản, tập trung phá rã nhanh Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tóm lại, những sai lầm nói trên là sai lầm làm trái quy luật khách quan, làm trái các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng Đảng. Sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô, cũng như sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, càng chứng tỏ chủ nghĩa Mác - Lênin không sai, không lỗi thời, mà chính là vì người ta hiểu sai và làm sai chủ nghĩa Mác - Lênin: Sai cả về thực hiện các nguyên lý cơ bản và về vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Người ta từ cực đoan này nhảy sang cực đoan khác, tránh giáo điều rập khuôn đã trượt sang cơ hội, xét lại. Lẽ ra khi phát hiện ra sai lầm, thái độ đúng đắn nhất là công khai thừa nhận sai lầm, tìm biện pháp khắc phục sai lầm một cách hữu hiệu và từng bước vững chắc, sai đâu sửa đó, thì lại phủ nhận sạch trơn, phá bỏ tất thảy trong khi chưa tìm được cái mới thay thế.
Triệt để khai thác những sai lầm đó, bọn đế quốc và phản động các loại đã ra sức tấn công phá hoại các Đảng Cộng sản, phá hoại chủ nghĩa xã hội và chúng đã đạt được mục tiêu.
Nhưng dù sao thất bại của chủ nghĩa xã hội lần này chỉ là tạm thời. Quy luật khách quan không ai cưỡng lại được vẫn là chủ nghĩa xã hội sẽ phủ định và thay thế chủ nghĩa tư bản.
Chúng ta tin rằng, sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, những người cộng sản và cách mạng chân chính sẽ rút ra được nhiều bài học bổ ích, sẽ có thêm kinh nghiệm và bản lĩnh để tiếp tục đấu tranh cho thắng lợi cuối cùng của mục đích mà mình theo đuổi.
Không lý gì một Đảng Cộng sản to lớn, anh hùng và kiên cường như Đảng Cộng sản Liên Xô-đảng của Lênin vĩ đại - lại cam chịu thất bại dễ dàng như vậy.
Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 4-1992