"Học đại học sướng hơn phổ thông nhiều, học làm gì, đằng nào ra trường chẳng làm trái nghề, trẻ không chơi già hối hận đấy" có lẽ là những câu quá quen thuộc mà các tân cử nhân nghe được từ nhiều các cựu sinh viên những kẻ làng nhàng, kém cỏi ngay từ tư duy của họ. Những người giỏi giang, thành công sẽ không bao giờ nói như vậy, với họ những năm tháng ở giảng đường đại học mới chính là bước đệm quan trọng nhất để bước vào đời.
Không ít những tân sinh viên vẫn ngủ quên với ảo tưởng mình giỏi giang khi đỗ đại học, vẫn giữ tâm lý tưng tửng bước vào giảng đường mới: phải xả hơi cái đã, ôn thi vất vả như vậy cơ mà.
Hơn nữa, vẫn là tật đổ thừa, họ kêu than chán nản vì chương trình học quá nhạt nhẽo, vô bổ với những môn đại cương, thầy cô không thân thiện,... làm cái cớ biện hộ cho sự lười biếng của chính mình.
Vậy mới có người ở quán điện tử nhiều hơn cả thời gian đến lớp lẫn ở ký túc xá cộng vào, người biết hết quán trà sữa, ăn vặt chỗ nào ngon, quần áo chỗ nào rẻ đẹp, lịch đi chơi dày lên đồng nghĩa với việc cúp học nhiều hơn.
Những cuốn giáo trình chỉ hết được động đến đêm cuối trước khi thi, mà ngấu nghiến kiến thức cũng dễ nghẹn như là ăn vậy. Nếu học tập là một "quá trình" mà chỉ gói gọn ghẽ trong một vài đêm thức trắng, có lẽ đến giờ quá nửa thế giới đã trở thành thiên tài.
Tâm lý xả hơi có sức mạnh như axit, dần dần ăn mòn bạn, trượt 1 môn, không sao, con số dần dần tăng lên đến 3, 5. Môn học cũng tăng lên theo cấp độ khó dần, vết trượt từ những năm đầu kéo dài có khi đến hết cả quãng thời gian bạn ngồi trên giảng đường đại học. Bạn dễ dãi thỏa hiệp với bản thân rằng chỉ cần qua môn thôi, điểm số không thể hiện gì cả, mình không phải là con mọt sách, mình giỏi nhiều thứ hơn
Một số bạn bị cảnh cáo đuổi học may mắn tỉnh ngộ: "thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu", số đông còn lại vẫn sống sót qua những kỳ thi với điểm số trung bình, nhưng kiến thức cứ thủng lỗ chỗ, điều này còn nguy hiểm hơn nhiều lần vì họ sẽ vẫn ảo tưởng sức mạnh về năng lực của mình, đến lúc nhà tuyển dụng lắc đầu trước chuyên môn kém, kỹ năng ít ỏi của bạn, lúc ấy đã muộn rồi. Nếu đã lười biếng thất bại ở nơi nhỏ bé như trường học, trường đời cũng sẽ không tặng bạn miễn phí vé đến con đường thành công đâu.
Bạn có biết Trịnh Văn Quyết tỷ phú 43 tuổi, ông trùm bất động sản, người sở hữu những khu nghỉ dưỡng cao cấp khắp cả nước mà bạn thèm thuồng check-in facebook mỗi khi đi du lịch đã có một thời sinh viên oanh liệt như thế nào không? Là sinh viên luật nhưng lại mò mẫm làm đủ thứ từ đi gia sư, mở văn phòng gia sư, buôn bán điện thoại cũ, mở văn phòng luật, không ngại làm bất cứ thứ gì, đến nay, ông được người ta ngưỡng mộ vô cùng vì chẳng thiếu thứ gì. Nếu cứ ca thán chán học, chỉ thích chơi như những sinh viên khác, có lẽ giờ cái tên Trịnh Văn Quyết cũng nhạt nhòa trong một biển người đầy tham vọng nhưng cứ nằm chờ sung rụng mà thôi.
Vậy ta nên làm gì với 4 năm đại học?
Học, học và học
Chớ coi thường từ khóa này. Nếu học ngành kinh tế, ngoài học trong sách vở, hãy chủ động tích lũy ngay những kiến thức chuyên ngành của mình, sử dụng google đúng nghĩa để cập nhật, làm giàu kiến thức của bản thân chứ đừng chỉ giải trí.
Chữ "học" ở đây không có nghĩa là chỉ học ở trong trường, xã hội ngày càng tiến lên nên nếu cứ đứng yên là bạn đang thụt lùi đấy. Hãy tìm mọi cơ hội tiệm cận với những công việc liên quan đến chuyên môn kể cả xin làm không lương ở bộ phận kinh doanh trong công ty hay khởi nghiệp từ việc đơn giản như ra đường bán kẹo. Nhưng đừng chỉ chăm chăm vào cái ao của mình, hãy tự trang bị cho mình cả những kỹ năng, kiến thức xã hội, văn hóa.
Tìm kiếm những mối quan hệ "ra tiền": học những người giỏi, bạn bè, những người chung đam mê với bạn. Biết đâu đấy, một nhóm bạn cùng ham thích công nghệ sau này sẽ bắt tay cùng nhau khởi nghiệp một công ty chuyên về công nghệ?
Làm tất cả những gì bạn muốn
Sinh viên là tỉ phú thời gian, ai trải qua cũng đều nghiệm ra điều đó, hãy làm tất cả những gì bạn muốn, thử tất cả những công việc bạn tò mò, thích thú. Đừng ngại khó, khổ, những tháng năm này vô cùng quan trọng với bạn, được phép thử, được phép sai lầm.
Đây là thời điểm rất thích hợp để bạn khám phá những khả năng mà của bản thân mà trước đây bạn chưa từng biết. Nếu có đang "lạc trôi" ở một nơi xa thì 4 năm đại học là lúc bạn phải hiểu được mình, tìm được con đường của mình, phải trả lời được mình cần gì, mình giỏi thứ gì: âm nhạc, kinh doanh, luật pháp hay thiên hướng nghiên cứu khoa học hoặc thậm chí trở thành huấn luyện viên gym.
Hãy làm tất cả để tìm ra phương hướng của bản thân, đừng dật dờ buông thả mình thể để tới tận khi cầm bằng tốt nghiệp vẫn bâng khuâng ở giữa dòng, không biết mình làm được gì, mình có gì, cuộc đời lại gói gọn trong chữ "an phận" : không chuyên môn, không đam mê công việc, không sở thích, sống đời nhạt nhẽo.
Ngoại ngữ - tấm visa giúp bạn bước ra thế giới
Học ngoại ngữ là việc vô cùng quan trong không thể bỏ qua dù bạn làm bất cứ ngành nghề nào. Chúng ta đang ở thời đại 4.0, mọi thứ thay đổi mỗi ngày đến chóng mặt, vì vậy hãy thật giỏi một ngôn ngữ nữa, xác suất tìm được một công việc ưng ý để bạn có thể hạnh phúc làm việc cả ngày không biết mệt mỏi sẽ cao hơn rất nhiều.
Chúng ta vẫn nghe nói tới "công dân toàn cầu", thêm một thứ tiếng, cơ hội của bạn không chỉ bó hẹp ở một chỗ, bạn có thể đến bất kỳ quốc gia nào bạn muốn, làm hướng dẫn viên du lịch tại Nhật Bản hay làm lập trình viên ở Singapore, tại sao không nhỉ? Huyền chip, JV Nevermind là những người trẻ giỏi giang như thế.
Năng động lên, không có tiền học, hãy đi làm thêm, không có điều kiện đến lớp học, hãy học online, đừng viện lý do, hãy tìm cơ hội.
Không ngừng trải nghiệm, khám phá
Hãy trải nghiệm, ngoài thế giới kia là biết bao điều thú vị nên đừng chờ đợi, đừng chần chừ. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, thế giới quan của bạn sẽ phong phú hơn, gạt bỏ những lo sợ, ngại ngần, những chuyến đi không chỉ mang cho bạn những cảm xúc tích cực mà bạn còn được rèn luyện vô số những kỹ năng và học thêm được nhiều kiến thức đến bất ngờ.
Hãy cứ tưởng tượng đến cảm giác tự hào sau này khi bạn kể cho con cái mình nghe về quá khứ lừng lẫy thời sinh viên của bạn, thật không có gì để tiếc nuối.
Tóm lại, vẫn là "học", lời khuyên tốt nhất cho các tân sinh viên. 4 năm, bạn sẽ quyết định sau này bạn là ai. Học ngay đi, học cả ở thực tế lẫn ở sách vở, học mọi thứ, đầu tư phát triển bản thân. Sau khi tốt nghiệp, nhà tuyển dụng nào có thể từ chối bộ não nhiều nếp nhăn của bạn?
Các tân sinh viên yêu mến, đừng quên bạn đối xử với 4 năm đại học thế nào, tương lai sẽ đối xử với bạn như vậy!