Bài viết được viết bởi ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Tuyến giáp đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể do đó các bác sĩ khuyến cáo bất kỳ khi nào bạn thấy xuất hiện các triệu chứng như khó chịu trong cổ, nuốt khó, khàn giọng, ho dai dẳng, cổ to lên, mạch và tim đập nhanh .. hãy đi xét nghiệm tuyến giáp càng sớm càng tốt.
1. Cấu tạo và vai trò của tuyến giáp trong cơ thể
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, tổng hợp hai hormone quan trọng từ iod và tyrosin là T4 (thyroxin) và T3 (tri-iodo-thyronin), hai hormone giáp này có chức năng như nhau nhưng khác nhau về cường độ và thời gian tác dụng. T3 mạnh hơn T4 khoảng 4 lần, nhưng nồng độ trong máu với số lượng nhỏ và thời gian ngắn hơn nhiều so với T4 (khoảng 93% hormone được tuyến giáp bài tiết là T4, chỉ có 7% là T3). Ngoài ra tuyến giáp còn bài tiết Calcitonin, giúp tăng hấp thu calci từ máu vào xương.
Tuyến giáp được tạo thành bởi hai loại tế bào:
- Tế bào nang có thành phần chính là thyroglobulin có chứa iod và là cơ chất quan trọng cho sự gắn iod vào tyrosin trong quá trình tổng hợp hormone giáp. Tế bào nang là đơn vị tổng hợp và bài tiết ra hormone tuyến giáp T3 và T4.
- Tế bào quanh nang (tế bào C): bài tiết ra calcitonin.
Vai trò của các hormone tuyến giáp trong cơ thể bao gồm:
- Giúp tăng sao chép một số lớn gen trong cơ thể, tạo ra một lượng lớn các protein enzyme, protein cấu trúc, protein vận chuyển và các chất khác trong tất cả các tế bào của cơ thể.
- Tăng hoạt động chuyển hóa của tế bào: khi một lượng lớn hormone giáp được bài tiết sẽ làm tăng mức chuyển hóa cơ sở của cơ thể.
- Làm tăng sự phát triển cơ thể của trẻ em, làm phát triển bộ não ở thời kỳ bào thai và những năm đầu sau sinh.
- Tác dụng trên các loại chuyển hóa glucid, lipid, nhu cầu các vitamin và trọng lượng cơ thể.
- Tác dụng trên hệ tuần hoàn làm tăng dòng máu và lưu lượng tim.
- Tác dụng trên hô hấp, tiêu hóa, hệ thần kinh trung ương và các chức năng của cơ
- Tác dụng làm tăng mức bài tiết của các hormone nội tiết khác (làm tăng Glucose máu kích thích tụy tiết nhiều Insulin, tăng hoạt động chuyển hóa tạo xương làm tăng nhu cầu đối với hormone cận giáp).
- Tác dụng trên chức năng sinh dục (nam giới cường giáp gây bất lực, suy giáp làm mất khả năng sinh dục; nữ giới cường giáp gây thiểu kinh, vô kinh, suy giáp gây rong kinh, mất khả năng sinh dục).
- Do tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trên nhiều loại chuyển hóa của cơ thể nên các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp như: bướu cổ, bướu basedow, suy giáp, cường giáp,... đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
2. Khi nào cần làm xét nghiệm tuyến giáp?
Tuyến giáp đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể do đó các bác sĩ khuyến cáo bất kỳ khi nào bạn thấy xuất hiện các triệu chứng như khó chịu trong cổ, nuốt khó, khàn giọng, ho dai dẳng, cổ to lên, mạch và tim đập nhanh .. hãy đi xét nghiệm tuyến giáp càng sớm càng tốt.
Với những người đã từng có tiền sử bệnh lý về tuyến giáp được khuyến cáo đi khám và làm xét nghiệm tuyến giáp 6 tháng/lần. Khi đến khám tuyến giáp, bạn sẽ được khám lâm sàng và yêu cầu làm một số xét nghiệm siêu âm và nội tiết để giúp tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý về tuyến giáp.
3. Xét nghiệm tuyến giáp gồm những loại nào?
Khi đến khám với bác sĩ, trên từng người bệnh với các triệu chứng khác nhau sẽ được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm khác nhau. Một số các xét nghiệm tuyến giáp thường được chỉ định như sau:
- Siêu âm tuyến giáp: nhờ sóng âm để quan sát hình ảnh tuyến giáp, bao gồm vị trí, kích thước các nhân tuyến giáp.
- Xét nghiệm máu: là phương pháp hữu hiệu và dễ dàng nhất, được sử dụng phổ biến nhất hiện nay để đánh giá chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm hay được sử dụng để đánh giá chức năng tuyến giáp là:
+ TSH, FT3, FT4, T3, T4 (được sử dụng để chẩn đoán cường giáp hay suy giáp). TSH là hormone tuyến yên có tác dụng kiểm soát sự chế tiết các hormone FT3, T3, FT4, T4 của tuyến giáp do tế bào giáp sản xuất ra theo cơ chế điều hòa chức năng của trục vùng dưới đồi tuyến yên tuyến giáp.
+ Một số kháng thể kháng tuyến giáp như Anti TPO, Anti Tg, TRAb (TSH Receptor Antibody) được sử dụng để chẩn đoán một số bệnh lý tự miễn của tuyến giáp.
+ Thyroglobulin (Tg) và Calcitonin được sử dụng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp
Ngoài ra còn các phương pháp xét nghiệm chuyên sâu khác để đánh giá chức năng tuyến giáp bao gồm kiểm tra độ tập trung iod, xạ hình và sinh thiết tuyến giáp. Sinh thiết tuyến giáp bằng phương pháp chọc hút tế bào kim nhỏ được chỉ định khi có nghi ngờ nhân tuyến giáp có tế bào ác tính.
4. Lưu ý trước khi tiến hành làm xét nghiệm tuyến giáp
Trước khi thực hiện xét nghiệm về tuyến giáp, người bệnh được khuyến cáo nghỉ ngơi đầy đủ trước ngày thực hiện xét nghiệm, không uống rượu bia và các chất có cồn, các chất kích thích như café. hạn chế ăn chế độ ăn nhiều chất đạm.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.