"Không còn thấy phù hợp, bỏ việc ngân hàng là hợp lý"
- Câu chuyện của chị H khi bỏ ngân hàng vì không chịu nổi áp lực công việc, tôi thấy chị đã dám nói thẳng những góc tối về nghề, cũng là lý do khiến chị quyết định chia tay công việc mà mình đã gắn bó và yêu thích trong suốt 6 năm.
Phụ nữ chúng ta khi có gia đình là thế đấy, không thể dành hết tâm sức cho công việc được khi mà con cái đau ốm, nheo nhóc, khi mà bản thân lúc nào cũng thấy quay cuồng giữa cơn lốc của công việc cơ quan, việc nhà, việc chăm nuôi dạy dỗ con cái. Thế nên cũng không có gì ngạc nhiên khi chia sẻ của H lại nhận được nhiều sự đồng cảm đến thế.
Bạn Y.H nhận xét H "bỏ bát vàng", công việc hấp dẫn ngàn người mơ ước trong thời buổi kinh tế khó khăn, khi mà mỗi quý, báo chí lại đưa ra con số kĩ sư, cử nhân Đại học, thạc sĩ thất nghiệp chạm mốc con số 200 ngàn người. Y.H nói bạn H quá kém cỏi khi than vãn về công việc, đến ăn sáng cũng phải nuốt vội lén lút trong nhà vệ sinh. Y.H còn nói bạn H không biết sắp xếp việc bếp núc, rèn con tính tự lập.
Tôi cho rằng Y.H chưa đứng trong hoàn cảnh vừa đi làm vừa tất bật lo cho 2 con ăn uống và đến lớp như H. Riêng việc đánh thức con, lo vệ sinh rồi ăn uống cho con đã hết cả tiếng thì lấy đâu thời gian ăn phở hay nhâm nhi ly cà phê như Y.H nói nữa. Làm mẹ lúc nào cũng phải gồng lên lo cho con cái xong xuôi đã, đến cơ quan mới lo ăn sáng cho bản thân khi dạ dày đã sôi sục.
Tôi nghĩ H cũng không có ý đồ gì nói xấu cơ quan cũ khi rời bỏ mà bạn chỉ nói thật cảm nhận của mình về công việc mà thôi. Phụ nữ vẫn thiệt thòi khi cùng đi làm như nhau nhưng ông chồng thì đủng đỉnh, mũ mão đàng hoàng còn vợ thì cứ tay năm tay mười lo cho con cái.
H rất khổ sở với việc chạy đua chỉ tiêu, rồi mệnh lệnh này kia từ sếp trong khi đó việc nhà, việc chăm con vẫn cứ ngổn ngang. Sếp thì chỉ cần thành tích, mấy ai chấp nhận cảnh nhân viên đưa con cái ra làm lý do này kia đâu, sếp sẽ hạ chất lượng và dọa đuổi việc ngay lập tức. Nhất là ngành tài chính luôn đánh giá thực lực làm việc qua doanh số.
Chưa biết lương thưởng của ngành ngân hàng cao chót vót đến cỡ nào, nhưng bản thân tôi nghe ngóng mấy em hàng xóm cũng đang làm ngân hàng nhà nước thì giờ nợ xấu gia tăng, nhiều ngân hàng của các tập đoàn ra đời cạnh tranh thị phần khốc liệt thì thưởng quý, thưởng tết cũng không còn "cực đỉnh" như những năm trước.
Mà phụ nữ có gia đình và con cái như chúng ta thì quan trọng nhất trong cuộc sống là gì: được làm việc mình thích, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc. H đã cảm thấy rất áy náy khi con cái bỏ bê, việc bếp núc qua loa bởi đến tối mới ra tới chợ, mua vội tí thức ăn ôi, về đến nhà mệt nhoài. Vậy thì cuộc sống ngột ngạt này cần phải thay đổi và H quyết định viết đơn nghỉ việc. Tôi nghĩ H đã có phương án tìm công việc mới phù hợp hơn để có thể dành nhiều thời gian cho gia đình và lũ trẻ.
Lý do riêng tư và hoàn cảnh mỗi người không ai giống ai. H bỏ việc cũng là cơ hội cho một bạn trẻ khác được thể hiện năng lực. H đâu cần ai bình phẩm hoặc tung hô, bạn ấy chắc cũng chả mấy quan tâm tới lời khen mình dũng cảm hoặc sự chê trách là bất tài, kém cỏi.
Công việc hiện tại của tôi làm ban kíp, cơ quan cách nhà vài bước chân mà việc cho con ăn rồi tới lớp mỗi sáng cũng khiến tôi bở hơi tai, vì con bé nhà tôi còi cọc, lười ăn, chậm chạp. Việc cơ quan dù tôi từng cố gắng rất nhiều thế mà sau 10 năm đi làm, suýt chút nữa tôi cũng bị nốc ao vì sếp bảo "tôi chưa nhiệt tình với công việc, không nhanh nhẹn, không trẻ đẹp".
Tôi chán nản và tuyệt vọng, vì tiếc công việc gần nhà và năng lực bản thân có hạn, (trình độ trung cấp nghề, không biết đi xe máy vì sợ, sức khỏe kém ) mà tôi cố gắng bám trụ công việc. Chứ bạn bè cùng lứa với tôi, các vị này là đàn ông khi không được sếp nhìn nhận họ đều bỏ việc và nhanh chóng tìm được công việc mới.
Tôi rất hiểu tâm trạng bỏ việc của H, dù việc của bạn như người ngoài nhìn vào là "hot", lúc nào cũng váy áo đẹp đẽ, môi trường làm việc hiện đại nhưng có trong chăn mới biết chấy rận to cỡ nào. Khi không còn cảm thấy yêu thích công việc nữa thì quyết định bỏ việc là hợp lý, không có gì phải tiếc nuối.
Thanh Mai