Phân biệt Tiếng và Từ
- I - Ghi nhớ Phân biệt Tiếng và Từ
- 1. Tiếng là đơn vị cấu tạo nên từ
- 2. Từ là đơn vị nhỏ nhất dùng có nghĩa dùng để đặt câu
- 3. Cách phân định ranh giới từ:
- II - Bài tập thực hành Tiếng và từ
- III - Đáp án Bài tập thực hành Tiếng và từ
Phân biệt Tiếng và từ - Cách phân định ranh giới từ là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho giáo viên và các em học sinh lớp 4, 5. Tài liệu bao gồm các dạng bài tập cấu tạo từ về cách phân biệt tiếng từ, tìm từ đơn từ phức giúp các em học sinh biết làm các bài tập so sánh, phân loại từ và tiếng, giới từ. Mời các em cùng tham khảo tải về.
I - Ghi nhớ Phân biệt Tiếng và Từ
1. Tiếng là đơn vị cấu tạo nên từ
Tiếng có thể có nghĩa rõ ràng hoặc có nghĩa không rõ ràng.
V.D: Đất đai (Tiếng đai đã mờ nghĩa)
Sạch sành sanh (Tiếng sành, sanh trong không có nghĩa)
2. Từ là đơn vị nhỏ nhất dùng có nghĩa dùng để đặt câu
Từ có 2 loại:
- Từ do 1 tiếng có nghĩa tạo thành gọi là từ đơn.
- Từ do 2 hoặc nhiều tiếng ghép lại tạo thành nghĩa chung gọi là từ phức. Mỗi tiếng trong từ phức có thể có nghĩa rõ ràng hoặc không rõ ràng.
3. Cách phân định ranh giới từ
Để tách câu thành từng từ, ta phải chia câu thành từng phần có nghĩa sao cho được nhiều phần nhất (chia cho đến phần nhỏ nhất). Vì nếu chia câu thành từng phần có nghĩa nhưng chưa phải là nhỏ nhất thì phần đó có thể là 1 cụm từ chứ chưa phải là 1 từ.
Dựa vào tính hoàn chỉnh về cấu tạo và về nghĩa của từ, ta có thể xác định được 1 tổ hợp nào đó là 1 từ (từ phức) hay 2 từ đơn bằng cách xem xét tổ hợp ấy về 2 mặt : kết cấu và nghĩa.
- Cách 1: Dùng thao tác chêm, xen: Nếu quan hệ giữa các tiếng trong tổ hợp mà lỏng lẻo, dễ tách rời, có thể chêm, xen 1 tiếng khác từ bên ngoài vào mà nghĩa của tổ hợp về cơ bản vẫn không thay đổi thì tổ hợp ấy là 2 từ đơn.
V.D: tung cánh --> Tung đôi cánh
lướt nhanh --> Lướt rất nhanh
(Hai tổ hợp trên đã thêm tiếng đôi, rất nhưng nghĩa các từ này về cơ bản không thay đổi, do đó tung cánh và lướt nhanh là kết hợp 2 từ đơn)
Ngược lại, nếu mối quan hệ giữa các tiếng trong tổ hợp mà chặt chẽ, khó có thể tách rời và đã tạo thành một khối vững chắc, mang tính cố định (không thể chêm, xen) thì tổ hợp ấy là 1 từ phức.
V.D: chuồn chuồn nước --> chuồn chuồn sống ở nước
mặt hồ --> mặt của hồ
(Khi ta chêm thêm tiếng sống và của vào, cấu trúc và nghĩa của 2 tổ hợp trên đã bị phá vỡ, do đó chuồn chuồn nước và mặt hồ là kết hợp 1 từ phức)
- Cách 2: Xét xem trong kết hợp có yếu tố nào đã chuyển nghĩa hay mờ nghĩa gốc hay không.
V.D: bánh dày (tên 1 loại bánh); áo dài (tên 1 loại áo) đều là các kết hợp của 1 từ đơn vì các yếu tố dày, dài đã mờ nghĩa, chỉ còn là tên gọi của 1 loại bánh, 1 loại áo, chúng kết hợp chặt chẽ với các tiếng đứng trước nó để tạo thành 1 từ.
- Cách 3: Xét xem tổ hợp ấy có nằm trong thế đối lập không,nếu có thì đấy là kết hợp của 2 từ đơn.
V.D: có xoè ra chứ không có xoè vào / có rủ xuống chứ không có rủ lên
==> xoè ra, rủ xuống là 1 từ phức
ngược với chạy đi là chạy lại / ngược với bò vào là bò ra
==> chạy đi, bò ra là những kết hợp của 2 từ đơn
Chú ý:
+ Khả năng dùng 1 yếu tố thay cho cả tổ hợp cũng là cách để chúng ta xác định tư cách từ.
V.D: cánh én (chỉ con chim én)
tay người (chỉ con người)
+ Có những tổ hợp mang tính chất trung gian, nghĩa của nó mang đặc điểm của cả 2 loại (từ phức và 2 từ đơn). Trong trường hợp này, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà ta có kết luận nó thuộc loại nào.
II - Bài tập thực hành Tiếng và từ
Bài 1:
Tìm từ trong các câu sau:
- Nụ hoa xanh màu ngọc bích.
- Đồng lúa rộng mênh mông.
- Tổ quốc ta vô cùng tươi đẹp.
Bài 2:
Tìm các từ phức trong các kết hợp được in đậm dưới đây:
Vườn nhà em có rất nhiều loài hoa: hoa hồng, hoa cúc, hoa nhài,... Màu sắc của hoa cũng thật phong phú: hoa hồng, hoa vàng, hoa trắng,...
Bài 3:
Chép lại đoạn thơ sau rồi gạch 1 gạch dưới các từ phức:
Em mơ làm mây trắng
Bay khắp nẻo trời cao
Nhìn non sông gấm vóc
Quê mình đẹp biết bao.
Bài 4:
Chỉ ra từng từ đơn, từ phức trong đoạn thơ sau:
Ơi quyển vở mới tinh
Em viết cho thật đẹp
Chữ đẹp là tính nết
Của những người trò ngoan.
Bài 5:
Dùng gạch ( / ) tách từng từ trong các câu sau:
Bốn cái cánh mỏng như giấy bóng, cái đầu tròn và 2 con mắt long lanh như thuỷ tinh ...Bốn cánh chú khẽ rung rung như còn đang phân vân.
Bài 6:
Gạch 1 gạch dọc giữa 2 từ đứng cạnh nhau trong đoạn văn sau:
Trời nắng chang chang. Hoa ngô xơ xác như cỏ may. Lá ngô quắt lại, rủ xuống. Những bắp ngô đã mập và chắc chỉ chờ tay người đến bẻ mang về.
Bài 7:
Gạch 1 gạch dưới những từ 2 tiếng trong đoạn văn sau:
Trên quảng trường Ba Đình lịch sử, lăng Bác uy nghi và gần gũi. Cây và hoa khắp miền đất nước về đây tụ hội, đâm chồi, phô sắc và toả ngát hương thơm.
Bài 8:
Dùng ( / ) tách các từ trong đoạn văn sau:
Giữa vườn lá xum xuê, xanh mướt, còn ướt đẫm sương đêm, có một bông hoa rập rờn trước gió. Màu hoa đỏ thắm, cánh hoa mịn màng, khum khum úp sát vào nhau như còn chưa muốn nở hết. Đoá hoa toả hương thơm ngát.
Bài 9:
Dùng ( / ) tách từng từ trong đoạn văn sau:
Mùa xuân đã đến. Những buổi chiều hửng ấm, từng đàn chim én từ dãy núi đằng xa bay tới, lượn vòng trên những bến đò, đuổi nhau xập xè quanh những mái nhà cao thấp. Những ngày mưa phùn, người ta thấy trên những bãi soi dài nổi lên ở giữa sông, những con giang, con sếu gần bằng người, theo nhau lững thững bước thấp thoáng trong bụi mưa trắng xoá...
Bài 10:
Tìm các từ đơn và từ phức trong các câu văn sau:
a) Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý. Nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ.
b) Mùa xuân mong ước đã đến. Đầu tiên, từ trong vườn, mùi hoa hồng, hoa huệ sực nức bốc lên.
c) Mưa mùa xuân xôn xao, phơi phới,... Những hạt mưa bé nhỏ, mềm mại, rơi mà như nhảy nhót.
III - Đáp án Bài tập thực hành Tiếng và từ
Bài 1:
Từ 2 tiếng: ngọc bích, đồng lúa, mênh mông, Tổ quốc, vô cùng, tươi đẹp.
Bài 2
Các từ phức trong câu sau là:
Từ phức: nhà em, loài hoa, hoa hồng, hoa cúc, hoa nhài, màu sắc, phong phú, hoa hồng, hoa vàng, hoa trắng.
Bài 3:
Từ phức: non sông, gấm vóc, biết bao.
Gạch 1 gạch dưới các từ phức
Em mơ làm mây trắng
Bay khắp nẻo trời cao
Nhìn non sông gấm vóc
Quê mình đẹp biết bao.
Bài 4:
Từ phức: quyển vở, mới tinh, tính nết .
Bài 5:
Từ phức: giấy bóng, long lanh, thuỷ tinh, rung rung, phân vân.
Bốn / cái / cánh / mỏng / như / giấy bóng, / cái / đầu / tròn / và / hai / con / mắt / long lanh / như / thuỷ tinh .../ Bốn / cánh / chú / khẽ / rung rung / như / còn / đang / phân vân.
Bài 6:
Từ phức: chang chang, tu hú, gần xa, ran ran, xơ xác, cỏ may, quắt lại, rủ xuống, bắp ngô, tay người
- Lưu ý: kết hợp lá ngô, hoa ngô, bắp ngô có cấu trúc gần như giống nhau nhưng bắp ngô có cấu trúc chặt chẽ hơn nên ta xếp vào nhóm từ phức .
Bài 7:
Từ 2 tiếng: quảng trường, Ba Đình, lịch sử, uy nghi, gần gũi, khắp miền, đất nước, tụ hội, đâm chồi, phô sắc, toả ngát, hương thơm.
- Lưu ý: khắp miền cũng có thể xếp vào nhóm 2 từ đơn
Trên / quảng trường / Ba Đình lịch sử, / lăng / Bác / uy nghi/ và / gần gũi. / Cây / và / hoa / khắp / miền / đất nước / về / đây / tụ hội, / đâm chồi, / phô sắc / và / toả ngát / hương thơm.
Bài 8:
Từ phức: vườn lá, xum xuê, xanh mướt, ướt đẫm, sương đêm, bông hoa, rập rờn, đỏ thắm, cánh hoa, mịn màng, khum khum, ngập ngừng, đoá hoa, toả hương, thơm ngát.
Giữa vườn lá / xum xuê, / xanh mướt, / còn / ướt đẫm / sương đêm, / có / một / bông hoa / rập rờn / trước / gió. Màu / hoa / đỏ thắm, / cánh hoa / mịn màng, / khum khum / úp / sát / vào / nhau / như / còn/ chưa / muốn / nở / hết. Đoá hoa / toả hương / thơm ngát.
- Lưu ý: sương đêm, cánh hoa, toả hương cũng có thể tách ra làm 2 từ.
Bài 9:
Từ phức: Mùa xuân, buổi chiều, hửng ấm, chim én, đằng xa, lượn vòng, bến đò, đuổi nhau, xập xè, mái nhà, mưa phùn, người ta, bãi soi, nổi lên, theo nhau, lững thững, thấp thoáng, bụi mưa, trắng xoá.
Bài 10: Xác định các từ đơn và từ ghép
Từ đơn:
a) Nước, xanh, cây, nào, cũng, quý, nhưng, nhất, vẫn, là, tre, nứa
b) đã, đến, từ, trong, vườn, mùi,
c) mưa, những, rơi, mà, như
Từ phức:
a) Việt Nam, muôn ngàn, cây lá, khác nhau, thân thuộc, tre nứa, Đồng Nai, Việt Bắc, ngút ngàn, Điện Biên Phủ.
b) Mùa xuân, mong ước, Đầu tiên, hoa hồng, hoa huệ, sức nức, bốc lên.
c) mùa xuân, xôn xao, phơi phới, hạt mưa, bé nhỏ, mềm mại, nhảy nhót.
Bài tập Luyện từ và câu lớp 4, 5
- Cách phân biệt từ ghép, từ láy dễ lẫn lộn
- Bài tập về từ ghép và từ láy
- Bài tập về từ đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa, nhiều nghĩa
Phân biệt Tiếng và Từ - Cách phân định ranh giới từ bao gồm Lý thuyết và Bài tập thực hành Có đáp án chi tiết cho các em học sinh ôn tập lại các kiến thức Luyện từ và câu lớp 4, 5: Tìm từ đơn và từ phức, tách các từ trong đoạn văn.