Cuốn hút nghề VJ, DJ, MC
Không cần một kiến thức âm nhạc đồ sộ như một chuyên gia nhưng cần một nền tảng vững chắc đủ để phân biệt và cảm nhận âm nhạc, đó là yêu cầu chung cho bất cứ ai muốn trở thành một DJ (Dics jockey), VJ (Video jockey) hay MC (Master of Ceremonies).
VJ Hoàng Yến, DJ Mỹ Quyên
Thời gian gần đây, khi DJ, MC có hẳn một sân chơi riêng thì trào lưu học những nghề này trở nên phổ biến trong giới trẻ.
Hiện chưa có một lớp dạy chính thức nào về các nghề DJ, VJ và cả MC trẻ. Chủ yếu, người ta truyền nghề cho nhau là chính. Vì vậy, với những bạn trẻ muốn trở thành DJ, VJ, MC chính hiệu, việc tự trang bị những kiến thức tối thiểu là điều cần thiết. Cho đến khi bản thân đủ tự tin với kiến thức của mình, họ bắt đầu tìm đến các lớp dạy kỹ năng giao tiếp, kỹ thuật xuất hiện trước công chúng ở Nhà Văn hóa Thanh niên hay Cung Văn hóa Lao động TP HCM.
Còn chuyện trở thành một DJ, VJ, hay MC giỏi lại phụ thuộc rất nhiều vào năng khiếu và khả năng vận dụng kiến thức bản thân. Một sinh viên Đại học KHXH & NV TP HCM, cho biết: Dù rất thích nghề DJ (biên tập nhạc quốc tế của đài phát thanh) và tự tin vào những kiến thức âm nhạc tự tích luỹ nhiều năm, nhưng tôi chưa dám nghĩ tới việc theo nghề. Bởi tôi biết rằng kỹ năng truyền đạt cảm xúc của mình đến người nghe chiếm đến 90% thành công của một DJ. Đây cũng là điều lo ngại chung của nhiều bạn trẻ đang nhắm đến những nghề này.
Dù vậy, các công việc này vẫn thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Hầu hết những bạn đang theo học lớp kỹ năng giao tiếp tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM đều cho rằng, vì không có điều kiện để trở thành một ca sĩ nên việc theo các nghề DJ, VJ hay MC cũng có thể giúp họ thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc.
Tuy nhiên, những người đang theo nghề DJ, VJ tại TP HCM cho biết, với trách nhiệm là một người biên tập chương trình ca nhạc theo yêu cầu, phục vụ cho nhu cầu khán giả nên DJ và cả VJ biết kiềm chế cảm xúc bản thân trong một chương trình ca nhạc mang chủ đề riêng được phát sóng. Nhưng, thỉnh thoảng trong chương trình, DJ, VJ vẫn có thể xen kẽ cảm xúc của mình vào chương trình. Điều đó được thể hiện qua những lời giới thiệu, những nhận định về giai điệu, ca khúc mà họ chọn.
Khi nhắc đến một chương trình ca nhạc trên đài phát thanh, hay chương trình Giai điệu bốn phương, MTV theo yêu cầu trên truyền hình, khán giả yêu nhạc đều biết đến những tên tuổi gắn liền với các chương trình này như Huyền Thanh, Hoàng Thái, Trí Quyền, Hoàng Yến hay Hồng Hải. Ngoài kiến thức chuẩn về âm nhạc, họ được nhiều khán giả yêu mến qua cách truyền đạt thông tin khá thu hút và dí dỏm.
Mức thu nhập cũng là điều hấp dẫn khá nhiều bạn trẻ: DJ:Trên đài phát thanh: 150.000-200.000 đồng/chương trình. Làm việc tại quán bar (mix nhạc): với những người có tay nghề cao thu nhập trên dưới 10 triệu đồng, thậm chí 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, lương của một DJ chập chững vào nghề là 2, 3 triệu đồng/tháng.VJ: 200.000 - 250.000 đồng/chương trình.
MC: Trung bình 2 triệu đồng/chương trình ca nhạc.
DJ trên đài phát thanh là người viết kịch bản và chọn những ca khúc phù hợp với tính chất của chương trình để giới thiệu với khán giả. VJ là người dẫn chương trình ca nhạc trên đài truyền hình. Việc đầu tiên mà một VJ phải hoàn thành là biên tập kỹ lưỡng kịch bản cho một chương trình ca nhạc. Ngoài ra, DJ và VJ cũng đảm trách cả việc dẫn chương trình (thêm phần giao lưu, nói chuyện với khán giả).
DJ Huyền Thanh, cho Người Lao Động biết: Một chương trình ca nhạc hấp dẫn, đáp ứng được yêu cầu của khán giả phụ thuộc rất nhiều vào lòng yêu thích và sự nhạy cảm với âm nhạc của DJ. Từ chỗ yêu thích âm nhạc, DJ có thể có được những cảm xúc chân thật, không gượng ép và gò bó vì áp lực công việc. Lúc này, vấn đề chuyển tải thông điệp âm nhạc đến người nghe không quá khó với một DJ.
Còn với VJ Hoàng Yến, để có được một chương trình thành công, cần xoáy sâu vào cái hồn của chương trình. Nghĩa là, khi chọn một chủ đề phát sóng thì những ca khúc được chọn cần phù hợp với chủ đề đó. Việc chọn một giọng ca hay và phù hợp với ca khúc được chọn là điều tất yếu.
Ngoài ra, đối với những chương trình ca khúc nước ngoài như Giai điệu bốn phương, MTV theo yêu cầu, lời dẫn cần được ngắn gọn để đáp ứng yêu cầu về thời lượng phát sóng, nhưng cũng cần phải đủ thông tin để khán giả có thể hiểu được một cách trọn vẹn ý nghĩa mà VJ muốn chuyển tải.
Còn đối với một MC, điều quan trọng nhất là sự nhạy bén trong ứng xử. Dù tất cả mọi thứ đều có sẵn trong kịch bản, nhưng tình huống bất ngờ có thể xảy ra. MC Phước Lập chia sẻ: Trước khi trở thành một MC giỏi, cái quan trọng nhất là tạo cho mình một lòng dũng cảm. Đó là việc dám linh động ứng biến trước những tình huống mới.